Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu giảm tải chương trình tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời thúc đẩy cơ hội tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, chất lượng cao cho học sinh.
Giáo dục thể chất được chú trọng nhiều hơn khi Trung Quốc theo đuổi chính sách. |
Cách đây vài năm, Lin Ming khi ấy mới 10 tuổi và đang học tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Cậu bé không thể nhớ được lần cuối cùng mình được trở về nhà trước 6 giờ tối. Ngay khi tan học ở trường, mẹ của cậu bé sẽ đưa con đến các cơ sở dạy thêm, nơi Lin Ming học toán nâng cao và ngữ pháp tiếng Anh. Dù biết rằng bản thân “có thể gây căng thẳng quá nhiều” cho con trai, nhưng Yang Mei, mẹ của cậu bé cho rằng cô không có sự lựa chọn. “90% bạn cùng lớp của con trai tôi tham gia các buổi học thêm sau giờ học. Đó là một cuộc thi mà tôi không thể để con mình thua kém”, Yang Mei chia sẻ. Theo ước tính của bà mẹ này, số tiền mỗi tháng cô chi cho việc học thêm của con trai lên tới 3.000 nhân dân tệ (440USD), bằng khoảng 1/5 thu nhập hàng tháng của gia đình cô.
Tâm sự của Yang Mei cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình ở Trung Quốc. Xã hội phát triển kèm theo áp lực học hành gia tăng. Nhiều gia đình muốn con cái không thua kém bạn bè cùng trang lứa nên đã cố gắng “nhồi nhét” cho chúng lượng kiến thức khổng lồ, khiến những đứa trẻ không còn thời gian tận hưởng tuổi thơ đúng nghĩa. Điều này vô hình trung đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Theo Tân Hoa xã, do học hành quá tải, tình trạng học sinh cận thị, thiếu ngủ và thể lực kém gia tăng mạnh tại Trung Quốc. Trước thực tế này, nhiều người đã đặt câu hỏi, phải chăng thành tích học tập của học sinh đã đổi bằng một cái giá quá nặng nề về tinh thần và thể chất của các em.
Trong bài phát biểu cách đây không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con cái họ có một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng họ sợ chúng sẽ thua ngay từ vạch xuất phát trong cuộc cạnh tranh về điểm số”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, giáo dục, dù là giáo dục nhà trường hay giáo dục gia đình, không nên quá chú trọng vào kết quả các kỳ thi. Điều quan trọng là tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Để giải quyết những quan ngại ngày càng tăng về sự phát triển của trẻ em, Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách giáo dục trên cả nước. Tháng 7-2021, Trung Quốc ban hành chính sách “giảm tải kép” trong giáo dục - tức giảm áp lực bài tập về nhà, giảm tải học thêm đối với học sinh. Theo đó, tất cả công ty dịch vụ giáo dục, cơ sở dịch vụ dạy thêm ngoài giờ theo chương trình giảng dạy chính của trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới. Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty này.
Những quy định mới mang tới thay đổi nhanh chóng. Cuối năm 2021, 91% trung tâm đào tạo theo hình thức trực tiếp và 87% trung tâm đào tạo theo hình thức dạy thêm trực tuyến dành cho học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở đã đóng cửa hoặc chuyển đổi kinh doanh. “Sự mở rộng quá mức của các cơ sở đào tạo đã được kiềm chế một cách hiệu quả”, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay.
Cũng trong năm 2021, Trung Quốc đã thông qua luật mới nhằm thúc đẩy hơn nữa những cải cách về giáo dục. Luật mới được áp dụng từ ngày 1-1-2022, quy định các chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ đối với học sinh, đồng thời các bậc phụ huynh, người giám hộ phải sắp xếp thời gian cho con học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tập thể dục một cách hợp lý.
Có thể thấy Trung Quốc đã rất nỗ lực hướng đến một nền giáo dục chất lượng, phát triển cân bằng. Ngoài việc giảm căng thẳng trong giáo dục, Bắc Kinh còn coi quy định mới là động lực giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập quốc gia này. Một số chuyên gia phân tích rằng việc siết chặt dạy, học thêm sẽ làm giảm gánh nặng chi phí nuôi dạy trẻ em, nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng./.
Theo QĐND