Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 29-6, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua “Khái niệm chiến lược mới”, với 4 trụ cột chính.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh với nỗ lực xây dựng lại sự đoàn kết nội khối. Ảnh: Wikipedia |
“Khái niệm chiến lược mới” là một tài liệu quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành các sáng kiến của NATO. Nó bao gồm các ưu tiên và mục tiêu của liên minh trong 10 năm tới, đồng thời thiết lập quan điểm chung về những thách thức đang nổi lên.
Coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất”
“Khái niệm chiến lược mới” của NATO lên án chiến dịch quân sự mà Nga đang thực hiện tại Ukraine, cho rằng hành động này đã “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”, “phá vỡ hòa bình” và “làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh” tại châu Âu, đồng thời coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh và sự ổn định” của khối.
“Khái niệm chiến lược mới” cho rằng hoạt động quân sự của Nga tại Biển Baltic, Biển Đen và ở khu vực Địa Trung Hải cũng như sự hợp tác quân sự giữa nước này với Belarus đang thách thức an ninh và lợi ích của liên minh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa và hành động thù địch của Nga một cách thống nhất và có trách nhiệm”.
Tuy vậy, khái niệm này khẳng định “NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga. Chúng tôi vẫn giữ các kênh liên lạc cởi mở với Moscow để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng tính minh bạch”.
Lần đầu chỉ đích danh thách thức từ Trung Quốc
NATO lần đầu tiên nêu rõ, ứng phó với Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của liên minh trong thập kỷ tới. “Khái niệm chiến lược mới” cảnh báo tham vọng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và với các nước láng giềng, cũng như quan hệ hợp tác Nga - Trung. Dù cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chi phối các phiên thảo luận tại hội nghị, nhưng Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ tư trong các mối quan tâm về an ninh đáng lo ngại nhất của liên minh. “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà họ đặt ra”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi trình bày Khái niệm chiến lược của NATO.
Mở rộng NATO
Khái niệm chiến lược nhấn mạnh, sự mở rộng NATO sẽ góp phần củng cố liên minh và đảm bảo “an ninh của hàng triệu công dân châu Âu, đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Lời mời được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rút lại phản đối 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập khối.
NATO cũng cho biết, sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác với Ukraine và Gruzia - những nước đang mong muốn gia nhập liên minh. Khái niệm chiến lược mới cho rằng, “một Ukraine mạnh mẽ và độc lập đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của các thành viên NATO”.
Chống biến đổi khí hậu
Khái niệm chiến lược mới nêu rõ, NATO cần phải trở thành “tổ chức quốc tế hàng đầu” trong ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. “Liên minh nên dẫn đầu các nỗ lực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc phòng và an ninh và giải quyết những thách thức đó”.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO cam kết sẽ góp phần chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đầu tư chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và tận dụng các công nghệ xanh, đồng thời đảm bảo năng lực quân sự và một thế trận phòng thủ, răn đe đáng tin cậy”./.
Theo VOV