Lá chắn vững chắc

08:05, 03/05/2022

Hàng loạt quốc gia đã chọn ngày 1-5-2022 là thời điểm bắt đầu áp dụng các quy định nới lỏng hoặc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19, dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đã đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 để đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

Vắc-xin ngừa COVID-19 Covaxin.  Ảnh: AFP/TTXVN

Vắc-xin ngừa COVID-19 Covaxin.

Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, từ ngày 1-5, các nhà hàng, quán bar và cửa hàng tại Hy Lạp không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng. Bulgaria dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với du khách quốc tế. Đức ngừng áp dụng quy định kiểm dịch bắt buộc đối với những người mắc COVID-19. Ở phía Tây bán cầu, Chile mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ từ ngày 1-5. Ngày đầu tiên của tháng 5 cũng đánh dấu việc Kuwait dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch COVID-19, đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc cả ở trong nhà lẫn ngoài trời, tất cả người nhập cảnh, không phân biệt tình trạng tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cũng không bắt buộc phải làm xét nghiệm PCR. Tại Đông Nam Á, du khách đã được tiêm chủng đầy đủ khi  nhập cảnh Thái Lan không phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Malaysia cũng áp dụng quy định tương tự, trong khi bảo hiểm du lịch không phải là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh. Nước này bắt đầu thực hiện quy định nới lỏng, bao gồm việc đeo khẩu trang không bắt buộc, tùy thuộc vào địa điểm ở ngoài trời hay trong nhà, dỡ bỏ việc quét mã truy vết QR qua phần mềm MySejahtera và không cần đảm bảo giãn cách xã hội.

Có thể thấy “bức tranh” lạc quan này xuất phát từ tình hình COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt trong 7 ngày qua.  Số ca mắc mới và tử vong trên toàn cầu trong tuần tính tới ngày 1-5 tiếp tục giảm mạnh. Đây là xu thế đã duy trì liên tục từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, khi các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường và tiêm cho đối tượng trẻ em. Tại “Lục địa già”, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đang thoát khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch và bước vào một giai đoạn mới, trong đó việc sàng lọc phải được ưu tiên và giám sát lây nhiễm tương tự như quy trình đối với bệnh cúm. 

Tuy vậy, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, cho rằng thế giới đang “xem nhẹ” cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm. Theo người đứng đầu WHO, khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus. Trên thực tế, Trung Quốc, nước đầu tiên trên thế giới phát hiện các ca mắc COVID-19 hồi cuối năm 2019, vẫn đang phải áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới nhất. Ngay trong đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế Lao động 1-5 kéo dài 5 ngày này, chính quyền thủ đô Bắc Kinh thông báo người dân phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ mới được phép lui tới các địa điểm công cộng. Học sinh và người lao động cũng sẽ phải trình xét nghiệm trước khi quay trở lại trường học và nơi làm việc sau kỳ nghỉ.  

Tại Israel, vụ phát hiện 3 ca nhiễm biến thể phụ nguy hiểm của chủng Omicron, là những người Israel đi du lịch nước ngoài trở về, đang khiến chính quyền phải cân nhắc tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và không gian kín. Đây là loại biến thể phụ được đặt mã số là BA.4, vốn lây lan nhanh chóng tại Nam Phi và có tỷ lệ tử vong cao. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Durban cho thấy 2 dòng phụ mới phát hiện BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có khả năng tránh được hệ miễn dịch tự nhiên có được sau khi mắc bệnh lẫn “rào chắn” được tạo ra từ việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Ngay trong ngày 1-5, Bộ Y tế New Zealand thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4, là một người vừa nhập cảnh. Trước đó, nước láng giềng Australia ngày 29-4 cũng xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 tại bang New South Wales, là một người vừa từ Nam Phi trở về. Trong khi đó, tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cảnh báo nước này có thể bước vào làn sóng COVID-19 thứ năm sớm hơn so với dự kiến sau khi số ca mắc mới trong nửa tháng qua tăng ở mức ổn định.

Những diễn biến trên khiến hầu hết các nước đều lựa chọn cách tiếp cận thận trọng khi dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch. Trong tài liệu vạch ra chiến lược cho giai đoạn sau giai đoạn khẩn cấp vì đại dịch, EC kêu gọi chính phủ các nước EU tiếp tục tiêm phòng cho người chưa được tiêm, đặc biệt là cho trẻ em chuẩn bị bước vào kỳ học mới mùa Thu tới. Theo EC, dù số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 giảm trong thời gian gần đây, song vẫn còn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới khi virus tiếp tục biến đổi. Bởi vậy, các quốc gia cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng trở lại trạng thái khẩn cấp khi cần và nên đẩy mạnh các chiến dịch tiêm phòng.

WHO khẳng định dù nhiều nước đang dần dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch và trở lại cuộc sống như trước, nhưng virus SARS-CoV-2 chưa biến mất, vẫn đang lây lan, biến đổi và gây các ca tử vong. Mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm vẫn hiện hữu và thế giới vẫn chưa hiểu hết những hậu quả lâu dài đối với các trường hợp đã khỏi bệnh. Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận thận trọng và an toàn đối với COVID-19 sẽ tạo thành lá chắn vững chắc trên hành trình thế giới trở lại cuộc sống bình thường như trước đây./.

Theo Báo Tin Tức



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com