Khủng hoảng thiếu sữa bột tại Mỹ: Nhiều trẻ sơ sinh phải nhập viện

08:05, 31/05/2022

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt sữa bột công thức kéo dài suốt nhiều tuần qua tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nhiều bang tại nước này đã báo cáo những trường hợp trẻ phải nhập viện do bố mẹ không tìm được loại sữa công thức phù hợp hoặc không thể mua trên mạng với giá “cắt cổ”. 

Chính quyền thành phố New York mới đây đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi quân đội Mỹ đã phải triển khai các chuyến bay “tiếp tế” từ châu Âu. 

Những kệ hàng sữa công thức trống trơn tại các siêu thị ở thành phố New York, những đứa trẻ sơ sinh phải nhập viện tại Nam Corolina, Georgia, Tennessee do thiếu hụt dinh dưỡng,… Đây là những hình ảnh khó có thể tưởng tượng là đang diễn ra ngay tại chính nước Mỹ. 

Trong những tháng gần đây, sữa công thức dành cho trẻ em đã trở thành một mặt hàng hiếm tại nền kinh tế số 1 thế giới. “Con trai tôi cần sữa công thức. Tôi không hiểu tại sao việc thiếu sữa lại kéo dài đến vậy. Giờ là tháng 5-2022, trong khi việc thiếu sữa đã bắt đầu từ tháng 2-2022. Tôi tưởng nó sẽ chỉ kéo dài trong vài tuần hoặc 1-2 tháng thôi”, một người mẹ cho biết.

Theo Cơ quan tổng hợp dữ liệu toàn diện về thực phẩm trên thị trường Mỹ Datasembly, trong tuần đầu tiên của tháng 5, dự trữ ở Mỹ thấp hơn 43% so với mức bình thường. Một số bang như Texas, Iowa hay Tennessee thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn vì hơn 50% các nhãn hiệu sữa dành cho trẻ sơ sinh chính đều đã hết hàng. Tháng 11 năm ngoái, trên toàn quốc, mức thiếu hụt chỉ là 11%. 

Đầu tuần này, một máy bay quân sự chở 32 tấn sữa bột công thức trẻ em đầu tiên đã rời căn cứ quân sự của Mỹ tại Ramstein, Đức để tới thành phố Indianapolis, bang Indiana, nơi đặt trụ sở của hãng sữa Nestlé. Lượng sữa bột này sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong nước. Đây là một phần chiến dịch không vận mang tên “Chiến dịch Không vận sữa bột” do Tổng thống Joe Biden phát động nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa bột trẻ em đang xảy ra tại nền kinh tế số 1 thế giới. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ trong tầm tay để giải quyết cuộc khủng hoảng. Và đây cũng là công việc đã được tiến hành trong nhiều tuần và nhiều tháng nay để tăng nguồn cung, cũng như đảm bảo mặt hàng này sẽ luôn sẵn sàng trên kệ”.

Tình trạng thiếu sữa công thức xuất hiện ban đầu là do ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do đại dịch COVID-19. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi nhà sản xuất sữa hàng đầu của Mỹ là Abbott tuyên bố tự nguyện thu hồi loại sữa công thức được sản xuất tại nhà máy ở Michigan và đóng cửa nhà máy này sau khi hai trẻ sơ sinh tử vong với nguyên nhân bị nghi là liên quan đến sản phẩm của hãng. Thị trường sữa công thức trẻ em trị giá 4 tỷ USD mỗi năm của Mỹ đều do 3 cái tên, gồm Abbott, Gerber và Reckitt thống trị. Chỉ có khoảng 2% là lượng sữa nhập khẩu và chịu mức thuế cao. Vì vậy, chỉ cần một nhà sản xuất sữa của Mỹ bị ngưng trệ sản xuất, cả thị trường lập tức chịu tác động ngay dù một cuộc điều tra sau đó cho thấy, sản phẩm của Abbott không liên quan tới nguyên nhân dẫn đến hai ca tử vong ở trẻ sơ sinh này.

Trong một động thái nhằm ngăn chặn tình trạng “thổi” giá đối với sữa bột công thức dành cho trẻ em, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng và người lao động New York đã cảnh báo mạnh tay với bất kỳ hành vi gian lận trực tuyến nào và những nhà cung cấp lợi dụng tình hình hiện nay để trục lợi. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cân nhắc các giải pháp như tăng tốc sản xuất và tăng nhập khẩu, giảm bớt gánh nặng hành chính đối với các gia đình nghèo nhất muốn mua sữa cho trẻ sơ sinh hoặc kích hoạt “Đạo luật sản xuất quốc phòng”, một văn bản từ Chiến tranh Lạnh cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định kinh tế bằng sắc lệnh./.

Theo VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com