Một loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra những ngày gần đây tại Afghanistan đã dấy lên lo ngại chủ nghĩa khủng bố chực chờ trỗi dậy. Trong khi đó, khủng hoảng y tế và nhân đạo tại đất nước Tây Nam Á vẫn trầm trọng và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát bất cứ lúc nào.
Binh sỹ Anh và Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán tại khu vực sân bay Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong những ngày qua, bầu không khí bất an bao trùm nhiều khu vực ở Afghanistan, khi một loạt vụ tấn công được thực hiện có chủ đích nhằm vào các mục tiêu dân sự tại thủ đô Kabul và nhiều tỉnh thành khác. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận thực hiện vụ tấn công tại thánh đường Hồi giáo Khalifa Sahib ở phía Tây Kabul hôm 29/4, khiến 50 người thiệt mạng. Đây là vụ bạo lực đẫm máu nhất trong 2 tuần qua và là vụ tấn công mới nhất mà IS thừa nhận thực hiện.
Tổng số người thiệt mạng trong các vụ tấn công trong 2 tuần qua tại Afghanistan đã vượt 100 người. Hai vụ nổ hôm 19/4 bên ngoài một trường học ở khu vực có đông tín đồ Hồi giáo dòng Shiite sinh sống tại Kabul làm nhiều học sinh thiệt mạng. Hai ngày sau đó, 2 vụ nổ xảy ra liên tiếp tại thánh đường Hồi giáo dòng Shiite, ở thành phố Mazar-i-Sharif, miền Bắc Afghanistan, cướp đi sinh mạng của hơn 30 người. Vài ngày sau, các vụ nổ lại liên tiếp xảy ra ở các địa phương miền bắc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) lên án mạnh mẽ vụ tấn công tại thánh đường Khalifa Sahib và nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các mục tiêu dân sự bị nghiêm cấm theo luật nhân đạo quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng lên án loạt vụ tấn công khủng bố gần đây nhằm vào các nhóm thiểu số ở Afghanistan. Các thành viên của Hội đồng Bảo an tái khẳng định, chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), một nhánh của IS tại Afghanistan, thừa nhận đã thực hiện 4 trong số các vụ tấn công gây thương vong lớn gần đây. Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ tấn công còn lại, song các vụ việc đều cho thấy những đặc điểm tương tự vụ tấn công do IS thực hiện. Giới chuyên gia nhận định, các cuộc tấn công gần đây ở Afghanistan là nỗ lực của IS-K nhằm hạ uy tín của lực lượng Taliban cầm quyền đối với người dân Afghanistan cũng như cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh chính quyền do Taliban thành lập chưa được quốc tế công nhận.
IS-K vốn có tư tưởng phản đối quan điểm của Taliban về tham vọng xây dựng một chính phủ chỉ giới hạn trong ranh giới của Afghanistan, thay vì thiết lập một Nhà nước Hồi giáo trong toàn khu vực. IS-K hoạt động mạnh trở lại chính là trở ngại lớn đối với chính quyền Taliban, bởi nếu muốn được công nhận, Taliban phải bảo đảm an ninh cho đất nước và không để các nhóm khủng bố sử dụng Afghanistan làm bàn đạp phát động các cuộc tấn công.
Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do nhiều tài sản ở nước ngoài bị đóng băng và Afghanistan không nhận được đầy đủ viện trợ sau khi Taliban trở lại nắm quyền. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, trong điều kiện hiện nay triển vọng của nền kinh tế Afghanistan "rất tồi tệ". GDP bình quân đầu người của Afghanistan được dự đoán đến cuối năm 2022 sẽ giảm 30% so với mức năm 2020. Cuộc khủng hoảng nhân đạo luôn cận kề, khi có tới 37% số gia đình Afghanistan không đủ khả năng tài chính để mua thực phẩm, 33% số hộ chỉ vừa đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu thực phẩm hằng ngày.
Đại diện chính quyền Taliban gần đây khẳng định đã loại bỏ hầu hết sự hiện diện của các phần tử IS tại Afghanistan và thực hiện đúng cam kết khôi phục hòa bình và ổn định đất nước. Tuy nhiên, hàng loạt vụ tấn công chết người gần đây vẫn cho thấy bất ổn tiềm tàng đang trỗi dậy tại Afghanistan. Nếu mầm mống khủng bố không bị diệt trừ, không chỉ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân Afghanistan bị cản trở, mà an ninh khu vực và quốc tế sẽ lại đối mặt nguy cơ ngày càng lớn từ mối đe dọa khủng bố cực đoan.
Theo nhandan.com.vn