Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Australia (AEC), tính đến tối 18-5, đã có 3,9 triệu cử tri Australia đi bỏ phiếu sớm và khoảng 2,7 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện.Gần 25 nghìn phiếu bầu đã được bỏ các điểm bỏ phiếu di động ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Ủy viên AEC Tom Rogers cho biết trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019, hơn 40% cử tri Austalia đã đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử cuối cùng, qua đường bưu điện hoặc các trung tâm bỏ phiếu sớm.
Trong cuộc bầu cử năm nay, dự kiến có thể một nửa số trong trong tổng số hơn 17 triệu cử tri Australia sẽ đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử chính thức vào hôm 21-5 tới.
4 khu vực trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng
Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 hàng tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-5 cho biết số ca mắc COVID-19 đang ổn định trên toàn cầu, song hiện có 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng, so với 2 khu vực cách đây 2 tuần. Vùng Đông Địa Trung Hải đang ghi nhận số ca mắc tăng mạnh 68% so với tuần trước đó, trong đó Bahrain, Saudi Arabia và Iran là những nước có số ca mắc cao nhất. Tiếp đó là khu vực Tây Thái Bình Dương với số ca mắc tăng 14%, trong đó Trung Quốc, Australia và Nhật Bản là những nước có số ca mắc cao nhất. Khu vực châu Mỹ ghi nhận số ca mắc tăng 26% và châu Phi tăng 6%. Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục thuyên giảm, trừ khu vực châu Phi - nơi ghi nhận số ca tử vong trong tuần trước tăng 48% so với 7 ngày trước đó.
EU chưa thông qua được gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 18-5, Ủy viên phụ trách về kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết, gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga chưa được thông qua. Các đại diện thường trực của các nước EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, bao gồm dự thảo lệnh cấm vận dầu mỏ của Moscow. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất loại bỏ dần nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh luyện từ Nga vào cuối năm 2022 để châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow. Đồng thời, EC cũng dự kiến cho Hungary và Slovakia, hai nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, thêm thời gian đến cuối năm 2024 để tuân thủ đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga./.
PV