Sau khoảng thời gian dài chạy đua tăng cường năng lực sản xuất, các hãng dược phẩm đang đối mặt thách thức nghiêm trọng khi thế giới có nguy cơ dư thừa vắc-xin ngừa COVID-19. Thái độ hoài nghi với vắc-xin, tâm lý chủ quan cho rằng COVID-19 không còn nguy hiểm như trước, khiến nhu cầu vắc-xin giảm mạnh, cản trở tiến trình chấm dứt dịch bệnh trên thế giới.
Theo trang Our World in Data, khoảng 66,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa COVID-19, với hơn 11,2 tỷ liều vắc-xin đã được triển khai. Tình trạng khan hiếm vắc-xin kéo dài suốt năm 2021 đã không còn, thay vào đó nguy cơ dư thừa nguồn cung vắc-xin ngừa COVID-19. Theo Công ty phân tích Airfinity, hơn 9 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 có thể được sản xuất trong năm 2022, trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm ở mức từ 2,2 đến 4,4 tỷ liều mỗi năm kể từ năm 2023.
Sáng kiến tiếp cận vắc-xin COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều hành cũng cho biết, lượng vắc-xin dự trữ hiện nay đã vượt nhu cầu. Việc phân phối vắc-xin, mức độ hiệu quả và thái độ hoài nghi với vắc-xin là những thách thức chính trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây bệnh nặng và vắc-xin không thể ngăn ngừa nhiễm bệnh mà chỉ có thể ngăn bệnh chuyển nặng cũng là một lý do khiến nhu cầu về vắc-xin giảm.
Nguy cơ dư thừa vắc-xin đã tác động đến doanh số và giá trị cổ phiếu của các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới. Các công ty sản xuất dược phẩm địa phương sau thời gian dài nỗ lực tự cung vắc-xin, thì giờ đây cũng đối mặt tình trạng sản lượng dư thừa.
Tại Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp vắc-xin lớn nhất thế giới, vấn đề dư thừa nguồn cung đang trở nên nghiêm trọng. Phần lớn người dân đã được tiêm phòng, trong khi mũi tiêm tăng cường chưa được chú trọng, do đó các công ty dược phẩm phải loay hoay tìm cách duy trì vận hành các nhà máy. Ngoài lượng vắc-xin mà chính phủ cam kết sẽ mua, việc có các đơn đặt hàng khác dường như không được bảo đảm để các công ty này có thể tiếp tục sản xuất. Với số vốn lớn đầu tư cho năng lực sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 đã bỏ ra, các công ty không thể ngừng hoạt động và làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Trong khi đó, theo WHO, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát đợt dịch mới. Dữ liệu của Cơ quan An ninh y tế Anh (HSA) cho thấy, mức độ bảo vệ của vắc-xin sẽ được khôi phục sau khi tiêm mũi tăng cường, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong đối với các trường hợp nhiễm dòng phụ BA.2 cũng như các dòng phụ khác thuộc họ Omicron.
Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng cho biết, vắc-xin đã phát huy hiệu quả trong suốt thời gian dịch bùng phát do biến thể Omicron gây ra, giúp người đã tiêm mũi tăng cường giảm nguy cơ tử vong tới 21 lần và giảm nguy cơ nhập viện điều trị tới 7 lần so với người không tiêm chủng. Trên cơ sở đó, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và của Moderna để tiêm mũi thứ 4, hay còn gọi là mũi tăng cường thứ 2, cho nhóm đối tượng có nguy cơ suy giảm miễn dịch. Liên minh châu Âu (EU) cũng cân nhắc việc tiêm mũi thứ 4 cho người hơn 60 tuổi.
Hiện, WHO vẫn đang liên tục cảnh báo đây chưa phải thời điểm để có thể tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19. Dù sao thì cũng chỉ 14,5% số người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19, kém xa so với mục tiêu mà WHO đề ra là bao phủ vắc-xin cho 70% dân số của mỗi nước để có thể kết thúc “giai đoạn cấp tính” của đại dịch trong năm 2022.
Khi sự hoài nghi tiếp diễn, nguồn cung vắc-xin dư thừa gây lãng phí nguồn lực khổng lồ, virus SARS-CoV-2 liên tục biến hóa, tất cả sẽ cản trở các nỗ lực để thế giới sớm vượt qua đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường./.
Theo Báo Nhân Dân