EU và Anh bất đồng về cách phối hợp các biện pháp trừng phạt Nga. Anh cũng đề xuất củng cố G7, nhưng EU tỏ ra ủng hộ nguyên trạng.
Xung đột Nga - Ukraine bộc lộ tình thế tiến thoái lưỡng nan của phương Tây về các lệnh trừng phạt. Ảnh: AFP |
Theo trang tin Politico.eu, các đồng minh phương Tây đã thể hiện một mặt trận thống nhất liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng họ đã vấp phải trở ngại trong việc đưa ra một diễn đàn tốt nhất để điều phối các biện pháp trừng phạt. Điều này đang gây bất đồng giữa Brussels và London.
Sau khi đưa ra một loạt các biện pháp nhằm trừng phạt Moskva trong tháng qua, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đang chật vật nhằm tìm ra cách tốt nhất để chính thức đồng bộ hóa các lệnh trừng phạt này trong tương lai.
Trong khi EU có vẻ ủng hộ duy trì nguyên trạng, Anh đã đưa ra quan điểm củng cố nhóm các nước G7 để có thể trở thành diễn đàn chính cho các cuộc thảo luận như vậy, thành lập một ban thư ký tương tự các tổ chức quốc tế khác, chẳng hạn như NATO.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 29-3 đã công bố một “cuộc đối thoại trừng phạt” mới để hợp lý hóa việc phối hợp giữa các nước phương Tây sau khi thăm cả London và Brussels, nhưng không cung cấp chi tiết về những biện pháp tổ chức các cuộc đàm phán như vậy. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lần đầu tiên đề cập đến kế hoạch trên sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels vào tuần trước, nói rằng các đồng minh đã thảo luận về việc thành lập một tổ chức để đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt, giải quyết mọi “kẽ hở” và xem xét “ai đã vi phạm lệnh trừng phạt, ở đâu, khi nào và như thế nào?”. Ông Adeyemo nêu rõ rằng hợp tác về các lệnh trừng phạt liên quan đến nhiều bên tham gia thay vì chỉ 27 chính phủ trong EU.
Đối với London, G7 là diễn đàn phù hợp cho các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiếp theo, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Ngoại trưởng Anh Liz Truss từng phát biểu rằng G7 đã là “công cụ” trong việc điều phối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trước đây, bà Truss đã ủng hộ việc hình thành một “mạng lưới tự do” với các đối tác có chung quan hệ thương mại và an ninh chặt chẽ.
Các nhà quan sát nhận định rằng ý tưởng của Ngoại trưởng Anh là sự phát triển của cái gọi là D10 - một phiên bản mở rộng của G7 bao gồm Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc, lần đầu tiên được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra vào năm 2020.
Nhưng đề xuất của Anh không nhận được nhiều sự ủng hộ ở châu Âu, theo một nhà ngoại giao EU. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng G7 cho phép họ thảo luận thẳng thắn về các vấn đề an ninh nhạy cảm, nhưng khó đưa ra bất kỳ thay đổi nào có thể khiến một trong số họ dễ bị tổn thương hơn trước áp lực từ những nước khác.
Nhà ngoại giao EU trên nói: “Nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp”, nhấn mạnh khả năng Trung Quốc sẽ phản đối Ấn Độ tham gia nhóm, đồng thời cho rằng mong muốn của Anh củng cố G7 bắt nguồn từ “cảm giác bị cô lập sau Brexit”.
Một số người khác ở châu Âu cho rằng các đồng minh có thể thành lập một “ủy ban trừng phạt” liên kết với NATO, lập luận rằng liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đại diện cho đa số các chính phủ tham gia vào các cuộc thảo luận đó.
Tuy nhiên, phương án này đặt ra cùng một vấn đề như đề xuất G7 mở rộng: Có 6 nước EU tham gia trừng phạt Nga không phải là thành viên của NATO, cũng như Nhật Bản và Thụy Sĩ, cùng những nước khác. Những người phản đối cho rằng sẽ “thật kỳ quặc nếu liên kết các biện pháp trừng phạt kinh tế với một liên minh an ninh quân sự”.
Các đại sứ EU hiện vẫn chưa thảo luận về các lựa chọn hợp tác liên quan đến lệnh trừng phạt. Mairead McGuinness, Ủy viên châu Âu về các vấn đề tài chính cho biết EU và Mỹ đang thống nhất về các biện pháp trừng phạt và chìa khóa là “đảm bảo thực thi hiệu quả và đầy đủ các lệnh trừng phạt”.
Robin Niblett, Giám đốc tổ chức tư vấn đối ngoại Chatham House có trụ sở tại London, nhận định: “Tôi không ngạc nhiên khi một số chính phủ EU và Ủy ban châu Âu không muốn G7 can dự vì điều đó làm giảm quyền lực và ảnh hưởng của họ với Mỹ”./.
Theo Báo Tin Tức