Chỉ một năm sau khi có những dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hậu đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với một số nguy cơ mới. Đó là nhận định của nữ nhà báo Lisa Bernhard trong bài viết có tiêu đề “Những nguy cơ suy thoái đeo bám nền kinh tế thế giới”, đăng trên trang tin tức stuff.co.nz của New Zealand ngày 7-4 vừa qua.
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài viết trên, tác giả nêu ra 3 nguy cơ suy thoái lớn đe dọa nền kinh tế thế giới. Trước hết, tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kế hoạch tăng mạnh lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán để chuẩn bị đối phó với lạm phát.
Hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng quá nóng, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng hằng năm là 7,9% và tiền lương trả theo giờ cao hơn 5,6% so với một năm trước. Mỹ hiện có số lượng việc làm tuyển dụng cao gấp gần hai lần so với số lao động thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất trong 70 năm qua. Trong 6 tháng qua, hơn 50% số lao động không có việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã quay trở lại làm việc.
Tiền lương tăng cao nhưng không đáp ứng được nhu cầu sống của người dân do “bão giá” cùng lúc xảy ra. Do vậy, FED vừa muốn tăng trưởng tiền lương, vừa muốn giá cả hạ nhiệt để có thể đạt được mục tiêu duy trì lạm phát dưới 2%.
Dự kiến, FED sẽ nâng lãi suất trong ngắn hạn từ mức dưới 0,25% lên hơn 2,5% vào tháng 12-2022 và tiếp tục tăng lãi suất lên hơn 3% vào năm 2023. Trong tuần này, FED đã công bố kế hoạch giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ trị giá 8,5 nghìn tỷ USD, bắt đầu từ tháng 5 tới, nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19.
Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trên dù cần thiết nhưng sẽ gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới. Lịch sử cho thấy, FED khó có thể hạ nhiệt thị trường việc làm mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Kinh tế Mỹ chỉ có 3 lần “hạ cánh mềm” kể từ năm 1945 trong điều kiện lạm phát không tăng cao. Một số nhà đầu tư trái phiếu dự đoán, trong hai năm tới, nhiều khả năng FED sẽ phải cắt giảm lãi suất một lần nữa khi nền kinh tế suy giảm, kéo theo nguy cơ xảy ra suy thoái.
Theo tác giả Lisa Bernhard, châu Âu cũng có vấn đề lạm phát, nhưng nguyên nhân là do năng lượng và thực phẩm nhập khẩu tăng vọt chứ không phải do nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Tác động của căng thẳng Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của lục địa này.
Giá khí đốt trong mùa đông tới cao gấp 5 lần so với ở Mỹ và chi tiêu cho năng lượng ở mỗi hộ gia đình tăng gần gấp đôi. Khi giá năng lượng tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và các công ty cũng gặp khó khăn về sản xuất.
Mặc dù nền kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ vẫn tăng trưởng trong năm 2022 nhưng triển vọng này khá mong manh. Nếu châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, dù là quyết định từ phía châu Âu hay do nguồn cung bị cắt, kinh tế khu vực này vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Nguy cơ thứ 3 được tác giả đề cập tới là làn sóng bùng phát biến thể Omicron hiện nay ở Trung Quốc. Trung Quốc đại lục thông báo đã có hơn 20 nghìn ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6-4, trong bối cảnh 26 triệu cư dân thành phố Thượng Hải và một số thành phố lớn khác đang trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ thấp hơn 7,1%. Việc Trung Quốc phong tỏa phòng dịch cũng sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu, vốn đang chật vật phục hồi sau đại dịch. Cảng Thượng Hải đang chứng kiến hàng trăm con tàu đang đậu ở ngoài khơi để chờ bốc hoặc dỡ hàng.
Mặc dù xuất hiện nhiều nguy cơ nhưng nhà báo Lisa Bernhard cho rằng, những rủi ro trên hoàn toàn có thể tránh được và điều này phụ thuộc vào quyết định của các nhà hoạch định chính sách./.
Theo QĐND