Ngày 4-4, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, cảnh báo nhân loại chỉ có chưa đến 3 năm để cắt giảm khí thải, qua đó đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong báo cáo, IPCC cho rằng lượng khí thải trên toàn cầu sẽ cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. IPCC kêu gọi thế giới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%. IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng...
Nam Phi bãi bỏ tình trạng thảm họa trên toàn quốc
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa tuyên bố bãi bỏ tình trạng thảm họa trên toàn quốc kể từ 0h ngày 5-4, sau hơn 2 năm tình trạng này được ban bố và áp dụng nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tổng thống Ramaphosa cho biết, việc ban bố tình trạng thảm họa vào tháng 3-2020 và các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội đi kèm là hết sức cần thiết để phòng, chống sự lây lan của đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Những quy định này “là tạm thời và có thời hạn” và chỉ nên được duy trì khi cần thiết. Theo ông, việc số ca mắc COVID-19 mới và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, cùng với việc số giường bệnh có sẵn đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, các cơ sở y tế công của Nam Phi sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường. Sau hơn 2 năm, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 3.667.560 trường hợp mắc COVID-19 và 100.052 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Cho đến nay, ước tính có hơn 33 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được sử dụng tiêm cho người dân trên toàn quốc./.
PV