Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các quỹ Global Fund và Wellcome Trust công bố một báo cáo có tên Chiến lược toàn cầu quản lý rủi ro dài hạn của dịch Covid-19.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, các tổ chức này ước tính sẽ cần 15 tỷ USD viện trợ trong năm 2022 và tiếp đó là 10 tỷ USD hằng năm để thiết lập và duy trì "bộ công cụ" để ứng phó với dịch Covid-19 và giải quyết những rủi ro lâu dài của đại dịch.
Bốn tổ chức này nhận định, nỗ lực chấm dứt đại dịch vẫn là ưu tiên cấp bách về kinh tế, y tế với thế giới. Theo IMF, tính lũy kế đến tháng 1/2022, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại khoảng 13,8 nghìn tỷ USD.
Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất IMF Gita Gopinath nhấn mạnh, đại dịch vẫn chưa kết thúc, trong khi chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn và các chi phí khác tiếp tục tăng. Bà Gita Gopinath cho biết, IMF dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu vào cuối tháng 4 này do bối cảnh dịch bệnh, cũng như tình hình Ukraine.
Trong một tuyên bố, bà Gita Gopinath nhận định, cần một chiến lược mới do nguồn lực của các quốc gia có hạn và xây dựng các kịch bản ứng phó dịch Covid-19. Bà Gita Gopinath nhấn mạnh, các quốc gia cần vaccine ngừa Covid-19, bộ kit xét nghiệm, phương pháp điều trị và cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện để ứng phó với dịch bệnh và các bệnh nguy hiểm khác.
Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust Jeremy Farrar khẳng định, hai năm qua cho thấy sự tiến bộ vượt bậc là khả thi khi thế giới xích lại gần nhau và hỗ trợ phát triển khoa học. Ông nhấn mạnh, đây không phải là thời điểm để ngừng các nỗ lực này bởi dịch bệnh có thể diễn biến khó lường với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Giám đốc điều hành của CEPI Richard Hatchett khẳng định tầm quan trọng của vaccine trong việc phòng chống dịch bệnh trong tương lai, song điều này cần có sự đầu tư vào hoạt động giám sát toàn cầu, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và hệ thống y tế.
Theo nhandan.com.vn