Ủy ban châu Âu (EC) đang xúc tiến thành lập một trung tâm hỗ trợ nhân đạo ở Moldova để giúp đỡ người tị nạn Ukraine. Ông Balazs Ujvari, người phát ngôn EC về viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng cho biết EU đang thiết lập một trung tâm ở Chisinau cho các đối tác nhân đạo và chuyển hơn 1.200 lều và 4.000 chăn của Liên minh châu Âu (EU) cho những người phải sơ tán trong cuộc xung đột. Moldova cũng nhận được sự hỗ trợ từ Na Uy và 18 quốc gia thành viên EU thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự châu Âu, vốn cho phép một quốc gia ngoài EU khi đối mặt với tình huống khẩn cấp có thể nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia thành viên EU. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24-2, hơn 4,5 triệu người đã rời khỏi Ukraine. Trong khi đó, lực lượng Biên phòng Ukraine cho biết hơn 870 nghìn người sơ tán ra nước ngoài kể từ khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra đã trở về nước, trong số này ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Hy Lạp tăng cường thăm dò khí đốt
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết Hy Lạp có kế hoạch đẩy mạnh nỗ lực khai thác khí đốt tự nhiên nhằm giảm 40% sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thủ tướng Hy Lạp cho biết việc đẩy nhanh hoạt động khai thác các nguồn năng lượng sẽ giúp nước này có thể chủ động khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên, qua đó tăng cường khả năng độc lập về vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng. Cũng như nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp đang thúc đẩy và tìm biện pháp đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt khỏi Nga trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn căng thẳng. Nhìn chung, các quốc gia EU đang phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga với hơn 40% nguồn cung. Hy Lạp nằm trong số các quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga và nước này buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, nước này cũng là một phần của tuyến đường khí đốt từ Azerbaijan đến Italia.
Hàn Quốc phát hiện ca nhiễm biến thể XL đầu tiên
Ngày 12-4, Hàn Quốc phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước mắc biến thể XL tái tổ hợp từ biến thể Omicron. Đây là một ca mắc COVID-19 không triệu chứng, được kết luận dương tính với COVID-19 vào ngày 23-3 và người bệnh đã tiêm đủ ba mũi vắc-xin. Biến thể XL là biến thể tái tổ hợp gene từ biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron, được phát hiện lần đầu tại Anh vào tháng 2 vừa qua. Tới nay, riêng tại Anh đã có 66 trường hợp nhiễm biến thể này. Cơ quan y tế Hàn Quốc nhận định, biến thể tái tổ hợp XL sẽ không có sự thay đổi đặc tính lớn, nhưng cần tiếp tục theo dõi sát sao. Hiện tại, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở Hàn Quốc đã tăng trở lại mức hơn 200 nghìn, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường cho người dân./.
PV