Doanh nghiệp Anh trước thách thức hậu Brexit

08:04, 14/04/2022

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit, những khó khăn mà các doanh nghiệp Anh phải đối mặt ngày càng chồng chất. Thủ tục phức tạp khi giao dịch với phía EU khiến nhiều doanh nghiệp Anh cảm thấy mệt mỏi, thất vọng.

Trước khi Brexit xảy ra, công việc của Netty Miles, một nhà tổ chức sự kiện tự do đang sinh sống tại Anh, là tổ chức triển lãm lưu động ở thành phố Brussels của Bỉ. Thế nhưng, sau khi nước Anh chính thức rời khỏi “mái nhà chung” EU, hoạt động tổ chức triển lãm của Miles cùng nhóm của cô, gồm ba kỹ thuật viên khác, gặp nhiều vấn đề phức tạp.

Theo đó, Miles và các thành viên trong nhóm phải làm thủ tục đăng ký để được cấp thẻ hoạt động ở Brussels. Họ phải chi trả 250 bảng Anh/người để kiểm tra sức khỏe, 100 bảng Anh/người để kiểm tra hồ sơ lý lịch và trải qua một cuộc phỏng vấn tại Đại sứ quán Bỉ. Tổng thời gian cho các thủ tục trên có thể mất đến 8 tuần. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Miles cho biết, các thủ tục này khiến cô cảm thấy vô cùng căng thẳng và đã có lúc mọi người trong nhóm nghĩ đến việc hủy bỏ hoạt động ở Brussels.

Miles chỉ là một trong số nhiều người Anh đang trải qua cảm giác mệt mỏi về các thủ tục khi hoạt động kinh doanh, giao dịch với phía EU. Theo Đại diện thương mại EU tại Hiệp hội Công nghiệp Anh (CBI) Russell Antram, các quy định phức tạp tại 27 quốc gia thành viên của EU là một thách thức thật sự lớn đối với các doanh nghiệp nước Anh.

Ông William Bain (U.Bên), người phụ trách chính sách thương mại tại Phòng Thương mại Anh, cho biết Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU - Anh (TCA) có hơn 1.000 hạn chế đối với hoạt động thương mại dịch vụ xuyên biên giới. Ông Bain nhấn mạnh, Anh cần phải có các thỏa thuận song phương với từng nước thành viên EU, nhưng EU cũng cần có sự linh hoạt về quy định nhập cảnh trong trường hợp người sử dụng lao động, nhân viên, nhà thầu đi công tác ngắn ngày tại khu vực này.

Theo kết quả khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp do Phòng Thương mại Anh công bố, hơn 50% số doanh nghiệp Anh cho rằng Brexit đã đẩy chi phí lên cao, tăng thủ tục giấy tờ và sự chậm trễ, đặt doanh nghiệp của “xứ sở sương mù” vào thế bất lợi trong cạnh tranh. Hơn 70% các nhà xuất khẩu Anh tham gia cuộc khảo sát cũng nhận định, Hiệp định TCA giữa EU và Anh không cho phép họ phát triển hoặc tăng doanh số bán hàng.

Những rào cản này có sức ảnh hưởng lớn đối với hoạt động kinh doanh giữa EU và Vương quốc Anh trong thời kỳ đại dịch. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, gặp khó khăn để tìm thị trường thay thế.

Sau khi rời EU, kinh tế Anh có những xáo trộn. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải cách châu Âu John Springford đã tính toán hiệu quả hoạt động thương mại của Anh, theo đó, đến cuối năm 2021, xuất nhập khẩu hàng hóa của Anh giảm 15,7% so với mức nếu Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan và thị trường chung EU. Xuất khẩu dịch vụ của Anh sang EU giảm 30%, cho thấy Brexit có những tác động nhất định đối với hoạt động kinh doanh của Anh với EU. Bên cạnh Brexit, mức tăng trưởng kinh tế của Anh còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác liên quan đại dịch COVID-19.

Theo kết quả thăm dò dư luận do tờ The Guardian thực hiện, hơn 60% số người dân Anh cho rằng, Brexit đã diễn ra tồi tệ hơn họ tưởng tượng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh Brexit ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân Anh, nước Anh cần thúc đẩy các nỗ lực để cải thiện quan hệ với EU nhằm giảm thiệt hại về kinh tế./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com