Sau hai năm bị tàn phá, thế giới đang học cách sống chung với đại dịch COVID-19, đồng thời nỗ lực cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe và sinh kế của cộng đồng. Đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương, đây thực sự là một thách thức, không chỉ vì ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khoản đầu tư nhằm làm giảm thiệt hại do đại dịch, mà còn do nhiều vấn đề sâu hơn về cơ cấu kinh tế.
Phụ nữ Ấn Độ đóng vai trò hàng đầu trong phát triển bền vững, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Ảnh: news.un.org |
Những hệ lụy của đại dịch COVID-19
Trong bài viết với tựa đề “Xử lý đại dịch bất bình đẳng ở châu Á - Thái Bình Dương” đăng trên trang mạng moderndiplomacy.eu, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), nhấn mạnh COVID-19 đã phơi bày một “đại dịch bất bình đẳng” ở một khu vực không chỉ có nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới mà còn là khu vực có một nửa số người nghèo trên toàn cầu. “Đây là khu vực mà gần 50% tổng thu nhập tập trung vào tay 10% người giàu nhất, trong khi 10% người nghèo nhất chỉ chiếm 0,2% tổng thu nhập”, bà Armida cho hay.
Việc không đạt được mục tiêu “cùng nhau phát triển” đồng nghĩa đại dịch đã làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của những người bị bỏ lại phía sau. Theo ước tính, kể từ khi đại dịch bùng phát, hơn 820 triệu người lao động không chính thức và hơn 70 triệu trẻ em ở các gia đình thu nhập thấp đã bị từ chối tiếp cận với nguồn thu nhập và giáo dục cần thiết. Đáng lo hơn, điều này sẽ để lại những hệ lụy lâu dài về hiệu quả kinh tế và học tập, tác động xấu đến cơ hội phát triển của những người vốn đã bị tụt lại phía sau.
Theo Khảo sát Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 do ESCAP công bố ngày 12-4, triển vọng của nền kinh tế khu vực tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến đại dịch và những thách thức mới nổi trong môi trường chính sách đối ngoại. Theo ước tính, tổn thất sản lượng tích lũy đối với các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực từ năm 2020 đến 2022 lên tới gần 2.000 tỷ USD. Sự gián đoạn kéo dài do đại dịch càng khiến tình trạng phục hồi không đồng đều.
Các chính sách vì một tương lai bình đẳng hơn
Mặc dù gây ra nhiều hệ lụy nhưng COVID-19 cũng đã tạo ra cơ hội chung cho cả thế hệ để xây dựng một thế giới bình đẳng và bền vững hơn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres từng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi này phải gắn liền với một “hợp đồng xã hội mới” cùng cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.
Theo bà Armida, các quốc gia có thể theo đuổi một nghị trình gồm 3 trụ cột để tạo nền tảng cho nền kinh tế toàn diện ở châu Á - Thái Bình Dương. Trụ cột đầu tiên là tránh cắt giảm tài khóa để thành quả phát triển trong những thập kỷ qua không bị mất trắng. Các nước châu Á - Thái Bình Dương cần tập trung đầu tư công cho chăm sóc sức khỏe, phổ cập giáo dục cơ bản và giúp mọi người hòa nhập hơn với giáo dục cấp cao, đồng thời tăng cường và mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội cho người lao động không chính thức.
Trước những ràng buộc về tài khóa, với tư cách là trụ cột thứ hai trong chính sách, các ngân hàng trung ương có thể vượt ra khỏi vai trò truyền thống của mình và chia sẻ lợi ích thúc đẩy tính toàn diện về kinh tế, đặc biệt là vì tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng và dai dẳng có thể làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Trụ cột thứ ba trong chính sách là cơ cấu kinh tế giúp các quốc gia giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng. Cơ cấu kinh tế sẽ quyết định xu hướng bất bình đẳng và lộ trình “tăng trưởng công bằng”. Do đó, các nhà hoạch định nên tập trung vào các chính sách tiền phân phối hơn là phân phối lại. Các nước đang phát triển có thể học hỏi kinh nghiệm của các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực để chủ động hướng dẫn, định hình và quản lý quá trình chuyển đổi cơ cấu để phát triển toàn diện.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số-robot-trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi kinh tế với những bất ổn lớn về tính toàn diện. Để chuẩn bị cho điều này, các nước cần có sự hỗ trợ của cộng đồng để phát triển các công nghệ có hiệu quả lao động cao, tiếp cận toàn diện với giáo dục chất lượng, đào tạo lại kỹ năng, tăng cường năng lực thương lượng lao động và các nền tảng bảo trợ xã hội,...
Bà Armida nhận định, mặc dù COVID-19 là một bước lùi lớn trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, song đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh các khoản đầu tư cho con người và môi trường, đồng thời nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ hội mà thế giới không được phép lãng phí./.
Phương Vũ