Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 và lệnh cấm vận kinh tế, ngành nông nghiệp của hai quốc gia Cuba và Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung nhằm đẩy mạnh tiềm năng hợp tác. Hiệp hội quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, nếu không có lệnh cấm vận từ năm 1962 của Mỹ chống Cuba, trao đổi nông sản giữa hai nước sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD/năm chứ không phải mức 250 triệu USD/năm hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị Nông nghiệp Cuba - Mỹ lần 3. (Ảnh: CUBADEBATE) |
Những ngày đầu tháng 4, đại diện giới doanh nghiệp nông sản Cuba và Mỹ đã tổ chức Hội nghị nông nghiệp lần 3 giữa hai bên, nhằm phân tích và tìm giải pháp mở ra cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp bối cảnh khó khăn hiện tại. Ngoài các cuộc thảo luận kỹ thuật về nhiều loại nông sản như gia cầm, sữa, lúa mì, đồ uống và rượu, ngô, gạo và đậu,… hội nghị cũng là dịp để các cơ quan bộ, ngành của Cuba cung cấp thông tin cụ thể tới các đối tác Mỹ về cơ hội ngoại thương và đầu tư tại Cuba.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh nông nghiệp Mỹ (USACC) Paul Johnson (P.Giôn-xơn) cho rằng, các lệnh cấm vận kinh tế và biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ chống Cuba đã và đang để lại hệ quả tiêu cực với các nhà sản xuất nông sản ở cả hai quốc gia, gây trở ngại trong nỗ lực gia tăng xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang Cuba, cũng như hạn chế Cuba tiếp cận các nguồn tài chính, thị trường và nguồn cung cấp cần thiết.
Nhà lãnh đạo USACC kêu gọi, các bên cần tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ các rào cản, đồng thời tận dụng sự phát triển nhanh chóng thời gian gần đây của mô hình các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cuba, từ đó tiến hành các dự án hợp tác sản xuất, nâng cao đầu tư vốn và tri thức. Theo thống kê của USACC, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba tăng 88% so năm 2020, tiếp tục củng cố vị thế là kim ngạch chính trong trao đổi thương mại song phương. Tuy nhiên, hiện Cuba mới đứng thứ 53 trong số các đối tác thương mại nông sản của Mỹ, trong khi Mỹ chỉ chiếm 15% thị phần nhập khẩu nông nghiệp của Cuba.
Ông Johnson khẳng định, nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng nhất trong quan hệ kinh tế và thương mại của cả Mỹ và Cuba, đồng thời nhấn mạnh sự góp mặt của hàng chục doanh nghiệp nông sản Mỹ tại hội nghị là minh chứng rõ nét cho mối quan tâm và mong muốn thúc đẩy lĩnh vực hợp tác giàu tiềm năng này. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2021, Mỹ đã tăng gấp đôi lượng thịt gà xuất khẩu sang Cuba, lên tới 253 triệu USD, góp phần giúp Cuba vượt qua giai đoạn khó khăn về thiếu hụt thực phẩm.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Doanh nghiệp nông nghiệp Cuba Frank Castañeda (P.Ca-xta-nhê-đa) thông tin về quá trình chuyển đổi trong ngành nông nghiệp Cuba, những doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp mới, cũng như khả năng xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Phó Tổng Vụ trưởng các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba (MINREX) Johana Tablada (G.Ta-bla-đa) nêu bật những đóng góp của USACC trong thúc đẩy quan hệ song phương, bất chấp chính sách bao vây, cấm vận của Washington chống La Habana. Ông Tablada khẳng định, nông dân Mỹ luôn đứng về phía đúng đắn trong lịch sử quan hệ Cuba-Mỹ.
Cuba trong nhiều năm phải đối mặt tình trạng thiếu hụt theo chu kỳ của các loại thực phẩm như sữa bột, trứng, dầu, bánh mì, bột mì và thịt gà,… Đảo quốc với hơn 11,3 triệu dân hằng năm phải nhập khẩu khoảng 70% lượng thực phẩm tiêu thụ. Do vậy, tăng cường hợp tác nông nghiệp với các nước là một trong những ưu tiên gần đây của Cuba. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang thúc đẩy chuyển đổi để hướng tới nâng cao sản lượng và chất lượng lương thực, song song các biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt công nghệ, phân bón và nguồn cung nông sản.
Theo nhandan.com.vn