Xung đột quân sự ở Ukraine đã tác động mạnh lên thị trường hàng hóa, bởi không thể tách riêng rạn nứt, đổ vỡ địa chính trị với những nguồn nhiên liệu thô chủ chốt.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Getty Images |
Cuộc chiến tại Ukraine đã tạo ra tác động lan tỏa lên thị trường hàng hóa. Nó cho thấy một thực tế không thể phủ nhận được: Những rạn nứt địa chính trị ngay lập tức tác động mạnh đến các thị trường chuyên về nguyên nhiên liệu thô chủ chốt. Xung đột cùng với các lệnh cấm vận trả đũa giữa Nga với phương Tây đang gây ra những đứt gãy trên nhiều chủng loại mặt hàng, nổi bật là lúa mỳ, dầu mỏ, khí đốt và nhiều sản phẩm liên quan đến hai mặt hàng năng lượng này như phân bón.
Khi khí đốt, năng lượng là vũ khí:
Nga chiếm 17% sản lượng khí đốt toàn cầu. Xung đột tại Ukraine cho thấy một thực tế khí đốt là một công cụ để Moskva gây ảnh hưởng và kiềm chế leo thang trừng phạt, nhất là từ châu Âu. 40% tiêu thụ khí đốt của châu lục này do Nga cung cấp. Nhưng tại thời điểm cuối quý IV-2021, tỉ lệ này rút xuống còn khoảng 20-25%, nguyên nhân là do tập đoàn Gazprom (Nga) áp dụng chiến lược mới, chỉ cung ứng dựa trên các hợp đồng dài hạn cam kết, không bổ sung khí đốt trên thị trường giao ngay.
Về dầu mỏ, Nga là nước khai thác và xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, mỗi ngày chuyển khoảng 2,5 triệu thùng dầu sang châu Âu và 1/3 sản lượng này là qua tuyến đường ống Druzhba chạy qua lãnh thổ Belarus. Nói cách khác, Nga đáp ứng hơn 25% nhu cầu dầu thô của cả Liên minh châu Âu (EU). Bất kỳ đứt gãy nguồn cung nào từ Nga cũng sẽ tác động mạnh tới giá dầu. Đây là nguyên nhân khiến thị trường dầu mỏ vừa qua luôn biến động nhanh và mạnh, gắn liền với diễn biến tại Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU nhằm vào Nga.
Lộ diện nguy cơ khủng hoảng lương thực:
Một trong những hệ quả tệ nhất mà xung đột tại Ukraine có thể gây ra chính là đà tăng giá của các mặt hàng ngũ cốc, lương thực. Giao tranh nổ ra tại thời điểm giá lương thực đã đứng ở mức cao, do sản xuất nông nghiệp trên thế giới mất mùa. Giá lúa mỳ kỳ hạn giao sau trên sàn giao dịch hàng nông sản Chicago (CBOT) đã vọt lên cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây do lo ngại nguồn cung bị đứt gãy, khi Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Caitlin Welsh, giám đốc chương trình an ninh lương thực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Ukraine hiện vẫn còn một lượng lớn ngũ cốc trong kho, nhưng việc không thể xuất khẩu tại thời điểm hiện nay. Một nửa trong 14 quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ của Ukraine đã phải đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, nổi bật là trường hợp của Li-ban và Yemen. Nhưng tác động không chỉ dừng lại ở đó. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm, gián tiếp tạo ra bất ổn về an ninh lương thực.
Giá phân bón trong năm ngoái đã tăng chóng mặt sau khi EU áp lệnh cấm vận nhằm vào Belarus, nước đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác hợp chất kali (potash) - nguyên liệu chủ chốt để sản xuất ra phân bón. Nga và Trung Quốc - hai nước xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới, cũng áp lệnh cấm xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước. Giá phân bón tăng đồng nghĩa với sản lượng nông nghiệp suy yếu. Thiếu hụt phân bón đã ảnh hưởng lớn đến nhiều khu vực nông thôn tại Ấn Độ, nơi 40% nhu cầu phân bón phụ thuộc vào bên ngoài.
Thị trường kim loại biến động lớn:
Ngoài dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc, Nga còn chiếm 10% sản lượng vàng, 6% sản lượng alumin, 4% sản lượng cobalt và 3,5% sản lượng của toàn thế giới. Tập đoàn Nornickel (Nga) là nhà khai mỏ lớn nhất thế giới về nickel (7% sản lượng toàn cầu), đồng thời cũng là nhà khai mỏ lớn nhất thế giới về palladi và thuộc nhóm hàng đầu thế giới về platin. Nga và Ukraine chiếm 40-50% tổng xuất khối lượng xuất khẩu Neon trên toàn cầu. Neon là một dạng hợp chất dùng trong ngành sản xuất thép, nguyên liệu thiết yếu đối với chế tạo chip. Trong biến cố Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, mặt hàng này đã tăng giá tới 600% gần như chỉ sau một đêm, gây ra đứt gãy trong ngành bán dẫn. Tương tự như vậy là mặt hàng palladi. Khoảng 40% sản lượng palladi là do Nga sản xuất. Nguyên tố hóa học này được dùng nhiều trong ngành chế tao ô tô, dùng để thải loại khí độc hại trong khói.
Tựu chung lại, giới phân tích nhận định thế giới đang phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị kéo dài, khởi nguồn từ cuộc chiến tại Ukraine, đi kèm đó là nguy cơ cao về biến động giá cả hàng hóa. Nga và Ukraine có ảnh hưởng lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu và xung đột lần này gây ra những ảnh hưởng sâu rộng, mà giá tăng cao là một điểm đáng quan ngại nhất./.
Theo Báo Tin Tức