"Tất cả cần hành động" vì cuộc sống mạnh khỏe hơn

07:03, 08/03/2022

Theo các chuyên gia y tế, quá cân và béo phì đã trở thành một thách thức y tế cộng đồng nghiêm trọng, đặc biệt ở những nước có thu nhập cao và trung bình. 

Trẻ tăng cường vận động để phát triển cân đối, không bị thừa cân, béo phì.  Ảnh: Internet

Trẻ tăng cường vận động để phát triển cân đối, không bị thừa cân, béo phì.

Ảnh: Internet

Hiện có tới 800 triệu người trên toàn cầu chung sống với béo phì và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc căn bệnh này. Tại Mỹ, gần 40% người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên bị béo phì và 71,6% người trưởng thành được xem là quá cân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được định nghĩa là trạng thái cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ gây tăng cân và được công nhận là bệnh dinh dưỡng có thể phòng ngừa được. Béo phì đang làm thay đổi cuộc sống của con người, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư. Đáng chú ý, trong đại dịch COVID-19, nhiều nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ người béo phì có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng và phải nhập viện cao gấp 2 lần người bình thường nếu mắc COVID-19. Bên cạnh đó, người béo phì cũng có nguy cơ cao mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Theo một số chuyên gia, làm việc từ xa do các biện pháp phong tỏa trong đại dịch đã gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc béo phì - một hệ quả thứ phát do việc giảm vận động và dễ tiếp cận đồ ăn hơn khi người lao động ở nhà và không có nhu cầu ra ngoài.

Không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, béo phì còn gây thiệt hại về kinh tế với chi phí y tế điều trị ước tính có thể lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Người béo phì thường có năng suất lao động thấp hơn người bình thường. Dù đối mặt với nhiều bất lợi, song đa phần người béo phì lại đang thiếu sự hỗ trợ và chịu sự kỳ thị từ xã hội, gia đình và cả trong hệ thống y tế.

Giáo sư Gerhard Prager thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Đại học Y Vienna (Áo), khẳng định thế giới giờ đây cần phải thay đổi nhận thức, rằng béo phì chính là bệnh kinh niên nghiêm trọng mà không hẳn chỉ là vấn đề về lối sống. Theo Giáo sư Prager, béo phì thực chất là vấn đề xã hội và là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Ông kêu gọi mọi người cần thay đổi lối sống, vận động thể chất nhiều hơn, bởi “ngồi nhiều cũng tác hại ngang hút thuốc lá”. Lời kêu gọi đó hoàn toàn phù hợp khi sống lành mạnh nhằm thích ứng với hoàn cảnh “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19.

Con người cần sống lành mạnh hơn theo hướng cai thuốc lá, giảm hấp thụ đồ uống có cồn, ngủ đủ giấc (từ 7-9 giờ mỗi đêm), ăn đủ rau củ và trái cây cũng như tập thể dục thường xuyên với cường độ vận động trung bình ít nhất 150 phút/tuần. Cũng theo không ít chuyên gia, việc “ăn ít, tập nhiều” là chưa đủ trong cuộc chiến chống béo phì. Họ kêu gọi một cách tiếp cận mới, tập trung vào những nhu cầu về y tế của người béo phì, thay vì chỉ quan tâm đến cân nặng như trước đây.

Với tỷ lệ trẻ em béo phì trên toàn thế giới ước tính tăng 60% trong thập kỷ tới lên (250 triệu em vào năm 2030), nhiều năm qua, Liên đoàn Phòng chống béo phì thế giới (WOF) - đơn vị tổ chức Ngày Thế giới phòng chống béo phì - đã phát động rất nhiều chương trình và chiến dịch kêu gọi thế giới cần có đánh giá đúng đắn về béo phì nhằm có cách tiếp cận phù hợp để giải quyết vấn đề. Thế giới cần coi béo phì là bệnh nghiêm trọng và phức tạp chứ không phải chỉ là vấn đề về lối sống, cần xóa bỏ những định kiến và kỳ thị về cân nặng của con người, mở rộng khả năng tiếp cận y tế cho người béo phì, tăng cường nhận thức về béo phì thông qua các chương trình và giáo dục, ứng xử với béo phì dựa trên căn cứ khoa học.

Để biến sự thay đổi trong nhận thức thành hành động cụ thể trên thực tế, tất cả các cấp chính quyền từ từ Trung ương tới địa phương, từ quốc gia tới cộng đồng cũng như mỗi cá nhân cần cùng nhau hành động vì mục tiêu mọi người trên thế giới đều có cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống chất lượng và tuổi thọ cao./.

Lan Phương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com