Tối 20-3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Nusa Dua trên đảo Bali của Indonesia, với sự tham dự của các đại biểu đến từ 132 quốc gia. Được thành lập năm 1889, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới quy tụ 178 Quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham dự các phiên họp toàn thể, hội thảo, thảo luận trong khuôn khổ IPU-144 nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực thi Thỏa thuận Paris; tận dụng giai đoạn phục hồi COVID-19 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh… và cùng đại hội sẽ thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt, trong đó tái khẳng định nguyên tắc đối thoại cốt lõi của IPU nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Thụy Sỹ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine
Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis cho biết, nước này sẵn sàng đóng vai trò như một bên trung gian trong các cuộc đối thoại nhằm giải quyết vấn đề Ukaine hoặc tổ chức các cuộc đàm phán.
“Thụy Sỹ sẵn sàng đóng vai trò như một bên trung gian ở hậu trường hoặc tổ chức các cuộc đàm phán. Thụy Sỹ có cả truyền thống trung lập và nhân đạo”, ông Cassis nhấn mạnh. Thụy Sỹ hiện vẫn chưa phải là thành viên EU, nhưng ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chính phủ Nga ngày 7-3 đã phê duyệt danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có hành động không thân thiện với Nga, các công ty và công dân Nga. Thụy Sỹ cũng nằm trong danh sách này./.
PV