Ngày 2-3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400 nghìn thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục.
Các bộ trưởng của 23 nước thuộc OPEC+ chung quan điểm giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay trong cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 15 phút. Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12-2021 đến 1-2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64 nghìn thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400 nghìn thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8-2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chỉ ra rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu. Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định rằng chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%. Trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, số ca mắc chứng rối loạn lo âu trên toàn cầu tăng 25,6%. Những nơi ghi nhận tình trạng gia tăng cao nhất là những nơi ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới hàng ngày và tình trạng hạn chế di chuyển ở mức cao. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20-24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi./.
PV