Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo những tác động kinh tế toàn cầu do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu xung đột leo thang.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của ban điều hành, IMF nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine vốn đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, với giá dầu lên tới gần 120 USD/thùng, làm gia tăng lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19. IMF cảnh báo “nếu xung đột leo thang, thiệt hại kinh tế sẽ càng nghiêm trọng hơn”, khi các cú sốc về giá cả hàng hóa sẽ gây tác động trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo. Các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Nga cũng sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính. Sự khan hiếm và gián đoạn nguồn cung có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine và Nga.
IAEA và Iran hướng tới “mối quan hệ hợp tác hơn”
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 5-3 khẳng định Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đang hướng đến “một mối quan hệ hợp tác hơn”.
Theo đó, Iran và IAEA cho biết đặt mục tiêu giải quyết tranh cãi về nguồn gốc các hạt urani được phát hiện tại một số địa điểm hạt nhân cũ nhưng không được công bố ở Iran vào đầu tháng 6 tới. Động thái trên được hai bên đưa ra trong chuyến thăm của ông Grossi đến Tehran, trong nỗ lực thảo luận về một trong những vấn đề gai góc nhất ngăn cản việc các bên nối lại tuân thủ hạt nhân Iran năm 2015. Hiện các bên tham gia cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran ở Vienna nhằm hồi sinh thỏa thuận này đều cho biết đang gần đạt được một thỏa thuận./.
PV