Tròn 2 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu (11-3-2020), những ca mắc mới vẫn tiếp tục xuất hiện, trung bình mỗi ngày khoảng 1,5 triệu ca.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Có thể nói, trong suốt lịch sử, thế giới chưa từng ghi nhận virus nào có tốc độ lây lan “chóng mặt” như virus SARS-CoV-2. Vào thời điểm WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch năm 2020, virus SARS-CoV-2 có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 121 nghìn ca nhiễm, trong đó có hơn 4.300 ca tử vong. Sau 2 năm, virus SARS-CoV-2 đã “mở rộng phạm vi hoạt động” tới khoảng 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 452 triệu ca mắc, trong đó hơn 6 triệu người không qua khỏi. So với thời điểm năm 2020, số ca mắc mới hiện đã tăng hơn 3.700 lần, trong khi số ca tử vong tăng hơn 1.400 lần.
Trong 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến diễn tiến dịch bệnh theo đồ thị hình sin do virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công bằng chủng gốc mà đã biến đổi thành 5 “biến thể đáng quan ngại” (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục “biến thể đáng quan tâm”. Các biến thể sau dường như vượt trội hơn các biến thể trước về khả năng “né tránh” vắc-xin, kéo theo tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục. Đỉnh điểm, do sự lây lan của biến thể Omicron, tháng 1 vừa qua, số ca nhiễm mới trong 1 ngày của thế giới lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu ca và duy trì trong suốt nhiều ngày. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm mà thế giới thu được sau thời gian dài chống dịch và đặc biệt là sự ra đời của nhiều loại vắc-xin và thuốc điều trị hiệu quả đã tạo ra bước ngoặt. Cùng các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm mới, chứng minh hiệu quả mà vắc-xin mang lại đối với cuộc chiến chống COVID-19 là không thể phủ nhận. Chính những thành quả trên đã củng cố quyết tâm của các nước, coi COVID-19 không còn là “pandemic” (đại dịch) mà là “endemic” (bệnh đặc hữu), đồng nghĩa với việc chuyển hướng sang “sống chung an toàn”, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.Tuy dự đoán COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm, đồng nghĩa với việc dịch bệnh trở nên ổn định hơn và có thể dự báo vào cuối năm 2022, song giới chuyên gia vẫn cho rằng đại dịch COVID-19 khó có thể loại bỏ hoàn toàn trong “một sớm, một chiều”.
Trong một thông điệp đưa ra cuối năm ngoái, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố năm 2022 phải là năm thế giới kết thúc đại dịch COVID-19. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh với việc phát triển các loại vắc-xin thế hệ thứ hai và thứ ba, cũng như việc phát triển các phương pháp điều trị kháng khuẩn, kháng virus và các đổi mới, sáng tạo khác, “hy vọng chúng ta có thể đưa COVID-19 trở thành căn bệnh tương đối nhẹ, dễ dàng ngăn ngừa và điều trị”. Để làm được điều đó, theo ông, thế giới phải đoàn kết cùng nhau. Đó chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch và “vĩnh viễn khép lại chương buồn của lịch sử nhân loại”./.
Theo TTXVN