Các nền kinh tế thuộc thế giới phát triển vẫn phải đối mặt với nguy cơ lạm phát kèm suy thoái.
Giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt do bị kích hoạt bởi xung đột Ukraine cùng các bước đi trừng phạt của phương Tây chống Nga đã tạo ra nguy cơ về cú sốc lạm phát kèm suy thoái tồi tệ nhất từ thập kỉ 1970 đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Giá dầu tăng vọt, dầu Brent Biển Bắc vượt 139 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 7-3, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và các đồng minh châu Âu đang tích cực thảo luận về một lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga.
Thế nhưng, ngay cả khi có lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, nhiều chuyên gia cũng bắt đầu lo ngại khả năng chịu đựng của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, để thoát khỏi một cuộc suy thoái và khủng hoảng năng lượng mới. “Tiến trình phục hồi hậu COVID-19 chắc chắn sẽ bị chậm lại, với một nguy cơ rõ ràng về việc chúng ta đang tiến đến giai đoạn lạm phát kèm suy thoái”, Erik Nielsen, cố vấn kinh tế tại tập đoàn UniCredit nêu quan điểm.
Những đồn đoán về lạm phát kèm suy thoái này gợi lại ký ức về hai cú sốc lớn trên thị trường dầu mỏ trong những năm 1970. Giá dầu tăng vọt năm 1973, sau khi khối Arab áp đặt lệnh cấm dầu mỏ đối với các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Khủng hoảng một lần nữa lặp lại với giá dầu leo thang vào năm 1979, sau cuộc cách mạng Iran.
Nga cung ứng 40% tổng mức nhập khẩu khí đốt của EU, khoảng 25% nhu cầu dầu mỏ. Thị phần của Nga trong cung ứng dầu thô toàn cầu cũng đạt trên 10%. Một số chuyên gia kinh tế dự báo giá năng lượng đứng ở mức cao, trong thời gian dài có thể sẽ đẩy các nền kinh tế châu Âu đi vào suy thoái. Rupert Harrison, giám đốc quản lý danh mục tại quỹ đầu tư BlackRock và là cựu cố vấn kinh tế dưới thời Thủ tướng Anh George Osborne, nhận định các nước châu Âu có thể sẽ phải cần đến những khoản trợ cấp năng lượng “khổng lồ”, bởi bất kỳ một nỗ lực nào nhằm hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga cũng tiềm ẩn nguy cơ đẩy châu Âu vào suy thoái.
Hai cú sốc trên thị trường dầu mỏ trong thập kỉ 1970 đã gây ra lạm phát kèm suy thoái ở hầu khắp các nền kinh tế phát triển. Lý do là bởi giá dầu cao thúc đẩy tái phân bổ thu nhập, chuyển từ người tiêu dùng năng lượng sang nhà sản xuất năng lượng. Vì lý do này, châu Âu, Nhật Bản và một số nền kinh tế đang nổi tiêu thụ dầu lớn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong khi Mỹ có thể nâng sản lượng dầu khai thác trong nội địa để bù đắp thiệt hại từ giá dầu tăng cao trên thị trường.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định giá năng lượng cao sẽ cản trở tăng trưởng, nhưng không đến mức đẩy các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lâm vào suy thoái kéo dài trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing thuộc Capital Economics cắt giảm 1 điểm % dự báo tăng trưởng trong năm nay với Eurozone, khẳng định đà phục hồi của khu vực từ đại dịch sẽ không bị chệch hướng. Nhưng ông cũng nhìn nhận nếu có một lệnh trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga, kinh tế Eurozone sẽ khó tránh khỏi bước suy thoái.
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ và Anh trong ngày 8-3 đã cho công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga, để trả đũa cho hành động quân sự của Moskva ở Ukraine. Bước đi mạnh tay này được đưa ra tại thời điểm phương Tây thực hiện một kế hoạch điều phối nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. EU tuyên bố mục tiêu giảm 1/3 nhu cầu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay và hướng đến dừng nhập khẩu vào năm 2030.
Bài toán đặt ra trước mắt với châu Âu không dễ. Lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Mỹ và Anh không lớn, ở mức lần lượt 10% và 8% tổng lượng dầu thô nhập khẩu. Nhưng châu Âu sẽ rất khó dừng ngay việc nhâp khẩu khí đốt Nga dù giới lãnh đạo nhiều nước muốn tăng sức ép lên chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Theo Claus Vistesen, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực eurozone tại Pantheon Macroeconomics, nếu Nga hiện thực hóa đe dọa ngừng vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 như tuyên bố của Phó Thủ tướng Alexander Novak hôm 7-3, giá khí đốt tại châu Âu sẽ vọt lên mức mà ở đó nhiều hoạt động kinh tế sẽ phải dừng ngay lập tức. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, giá khí đốt, năng lượng mà doanh nghiệp, người tiêu dùng châu Âu phải gánh đã là quá cao. Nếu kéo dài, xu hướng này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế./.
Theo Báo Tin Tức