Nhiều chuyên gia y tế cho rằng có khả năng vắc-xin phòng COVID-19 sẽ trở thành mũi tiêm phòng định kỳ hàng năm, tương tự như mũi tiêm ngừa cúm được khuyến khích tiêm mỗi mùa thu.
Tiến sĩ Archana Chatterjee, hiệu trưởng Trường Y khoa Chicago tại Đại học Rosalind Franklin (Mỹ) nhận định rằng: “Để giữ cho dịch COVID-19 không vượt quá tầm kiểm soát, người dân cần được tiêm phòng định kỳ, cho dù là hàng năm, hay mỗi 2 năm hoặc 5 năm 1 lần. Các chuyên gia sẽ đưa ra khuyến cáo phù hợp khi thu thập đủ dữ liệu”.
Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 6-4 để thảo luận về việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường phòng COVID-19 trong tương lai, trong đó sẽ đưa ra thảo luận cụ thể khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của các đại diện từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH), nhằm tiến tới thiết lập một “khuôn khổ chung” trong cách ứng phó với dịch COVID-19.
Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA ngày 21-3 cho rằng việc phòng ngừa COVID-19 bằng cách tiêm vắc-xin hiện vẫn là lựa chọn tối ưu, đặc biệt khi COVID-19 có thể dần dần sẽ được như một căn bệnh đặc hữu.
Chia sẻ quan điểm trên, Cựu Ủy viên FDA, Tiến sĩ Scott Gottlieb cho rằng vắc-xin ngừa COVID-19 có thể trở thành mũi tiêm hàng năm, ít nhất là trong tương lai gần, cho đến khi khoa học thực sự hiểu về căn bệnh này và liệu chủng virus corona này có dần trở nên giống như 4 chủng virus corona gây cảm cúm thông thường. Theo ông Gottlieb, vắc-xin phòng COVID-19 nên được tiêm 6 tháng 1 lần nếu muốn mang lại hiệu quả cao nhất. Virus corona được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1960, trong đó có 4 chủng lưu hành gây cảm cúm thông thường. Các chủng virus corona khác lây nhiễm ở người là MERS, gây hội chứng hô hấp Trung Đông, hoặc SARS gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng và SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Tiến sĩ Abraar Karan, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho rằng việc virus liên tục tiến hoá và kháng thể có được nhờ tiêm vắc-xin sẽ suy giảm theo thời gian đồng nghĩa với việc các làn sóng dịch có thể trở nên khó lường. Trong bối cảnh đó, việc tiêm các mũi vắc-xin bổ sung là điều tất yếu.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết vắc-xin phòng COVID-19 trong tương lai có thể có công thức hoàn toàn khác so với các loại vắc-xin hiện hành. Một số công ty như Pfizer và Moderna đang phát triển các loại vắc-xin có hiệu quả với bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, mục tiêu là một loại vắc-xin có hiệu quả kéo dài ít nhất 1 năm. Trong khi đó, Moderna và công ty công nghệ sinh học Novavax đang tiến hành nghiên cứu một loại vắc-xin kết hợp, có thể ngăn ngừa cảm cúm lẫn COVID-19.
Tiến sĩ Chatterjee cho rằng chế tạo một loại vắc-xin kết hợp có thể hợp lý trên nhiều phương diện, ví dụ như giúp giảm bớt số lần tiêm, hoặc gánh nặng trong việc vận chuyển, lưu trữ và bảo quản vắc-xin. Tuy nhiên, một loại vắc-xin kết hợp có thể vấp phải nhiều vấn đề, khi các thành phần có thể không kết hợp chung được và phản ứng miễn dịch có thể không hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, Tiến sĩ Chatterjee cho rằng yếu tố an toàn cũng cần được cân nhắc, khi loại vắc-xin kết hợp có thể gây ra nhiều phản ứng phụ hơn.
Một yếu tố khác cần cân nhắc khi triển khai tiêm vắc-xin là liệu người dân có tham gia tiêm đủ. Hiện nay, khoảng 65% người dân tại Mỹ đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 cơ bản, song chỉ 29% người dân đã tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, tỷ lệ người dân tiêm phòng cúm tại Mỹ cũng chưa thực sự như kỳ vọng khi chỉ có 50% dân số ở độ tuổi trưởng thành đi tiêm phòng cúm./.
Hoàng Châu