Triển vọng bào chế vắc-xin phòng ngừa các bệnh lây từ động vật sang người

09:02, 22/02/2022

Dựa trên các nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) mới đây nhận định việc phát triển một loại vắc-xin có khả năng bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm virus corona từ động vật, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, là hoàn toàn khả thi. 

Vắc-xin phòng COVID-19.  Ảnh minh họa: IRNA

Vắc-xin phòng COVID-19.

Ảnh minh họa: IRNA

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical Investigation vào tháng trước và được chuyên trang y khoa news-medical.net công bố vào ngày 17-2, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào peptide (các đoạn protein) trên protein gai của virus SARS-CoV-2 có tên gọi S815-827. Peptide này có thể được tìm thấy trên protein gai của virus MERS-CoV gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS) và các loại virus corona có nguồn gốc từ động vật khác.

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu sự xuất hiện của S815-827 trong virus corona ở dơi, do virus SARS-CoV-2 được cho là có nguồn gốc từ loài động vật này. Bên cạnh đó, các virus corona từ dơi cũng bị xem là mối đe dọa quan trọng khi gây ra các căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.

Các nghiên cứu trước đó đã tập trung vào hàng loạt virus corona ở người gây cảm lạnh thông thường có peptide S815-827 có thể được nhận biết nhờ các tế bào chống nhiễm khuẩn trong hệ miễn dịch gọi là tế bào T hỗ trợ CD4+. Trong phần đầu của nghiên cứu, các nhà khoa học của Đại học Johns Hopkins đã đánh giá phản ứng của tế bào lympho T đối với peptide S815-827 ở 38 người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin cơ bản ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA do các hãng Moderna hoặc Pfizer/BioNTech sản xuất. Họ phát hiện ra rằng các tế bào lympho T có liên quan trực tiếp tới peptide này được sinh ra trong cơ thể của 16 người tham gia nghiên cứu (chiếm tỷ lệ 42%).

CD4+ là những tế bào miễn dịch, còn được biết là tế bào T hỗ trợ, vì chúng hỗ trợ tế bào miễn dịch lympho B trong việc phản ứng với các protein màng/kháng nguyên của các virus như virus SARS-CoV-2. Sau khi được tế bào T CD4+ kích hoạt, tế bào lympho B chưa trưởng thành có thể phát triển thành các tế bào plasma hoặc sản xuất kháng thể nhằm đánh dấu những tế bào bị lây nhiễm để đào thải ra khỏi cơ thể, hoặc những tế bào có khả năng ghi nhớ cấu trúc hóa sinh của kháng nguyên để có thể phản ứng nhanh hơn trong những lần lây nhiễm sau này. Vì vậy, phản ứng của tế bào CD4+T có thể đóng vai trò như một biện pháp giúp đánh giá mức độ hiệu quả khi hệ thống miễn dịch phản ứng với vắc-xin và tạo ra miễn dịch dịch thể.

Các vắc-xin theo công nghệ mRNA giúp hệ thống miễn dịch của người nhận biết protein gai của virus SARS-CoV-2 và bắt đầu sản sinh ra các kháng thể chống virus. Do peptide S815-827, một thành phần rất ổn định trong protein gai của virus SARS-CoV-2, có khả năng là mục tiêu cụ thể hơn của các vắc-xin trong tương lai, nên các nhà nghiên cứu muốn đánh giá xem liệu các tế bào T có khả năng nhận biết và phản ứng với S815-827 mà họ tìm thấy trong những người tham gia nghiên cứu đã tiêm phòng, có phản ứng giống với đoạn protein họ tìm thấy trên protein gai của virus corona hay không.

Thông qua việc sử dụng tế bào bạch huyết lấy từ những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học có thể tạo ra loạt tế bào lympho T có khả năng nhận diện và phản ứng với peptide S815-827. Tiếp đó, các nhà khoa học đã sử dụng loạt xét nghiệm để kiểm tra xem liệu những tế bào T này có thể nhận dạng được protein này trong một số virus corona từ dơi hay không. Đây bị xem là những loại virus nguy hiểm nhất có khả năng lây nhiễm thêm bệnh khác sang người.

Kết quả nghiên cứu đã khiến các nhà khoa học vô cùng hứng thú. Họ phát hiện ra rằng các tế bào lympho T sản xuất ra phản ứng miễn dịch chống lại phần lớn các virus corona từ dơi. Điều này củng cố giả thiết rằng các vắc-xin theo công nghệ mRNA hiện nay sẽ tạo ra phản ứng của tế bào T, có thể nhận dạng chéo virus corona từ dơi, từ đó có khả năng giúp bảo vệ trước các đợt dịch bệnh lây nhiễm từ động vật trong tương lai.

Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu đã chỉ rằng peptide S815-827 của virus MERS-CoV và virus corona từ mèo cũng kích hoạt hoạt động của tế bào T hỗ trợ CD4+. Kết quả này, cùng với việc protein của nhiều virus corona từ dơi kích hoạt được phản ứng miễn dịch, cho thấy trong tương lai, các nhà khoa học có thể phát triển được vắc-xin có khả năng phòng ngừa cùng lúc nhiều loại virus corona từ động vật./.

Đặng Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com