Nút thắt khó gỡ của một "hồ sơ hạt nhân"

08:02, 22/02/2022

Ða số nghị sĩ Quốc hội Iran đã ký vào bức thư gửi Tổng thống Ebrahim Raisi (E.Rai-xi) để bày tỏ ủng hộ việc Tehran trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc, song với sáu điều kiện.

Ðây là động thái thể hiện thiện chí của Tehran, song cũng là thái độ đầy cứng rắn của các nhà lập pháp Iran trước những yêu cầu đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu. Dù dường như chỉ còn một chút nữa là có thể "chạm tay" tới thỏa thuận, nhưng lại là bước vô cùng khó khăn bởi vẫn tồn tại hố sâu ngăn cách trong quan điểm giữa Mỹ và Iran.

Các nghị sĩ Iran tham dự một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nghị sĩ Iran tham dự một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với chữ ký của 250/290 nghị sĩ Quốc hội, lá thư của các nhà lập pháp Iran nêu rõ, Mỹ và các nước châu Âu cần bảo đảm sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi thỏa thuận này được khôi phục và sẽ không kích hoạt cơ chế cho phép lập tức áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nếu Tehran vi phạm các điều khoản.

Các nghị sĩ Iran kêu gọi chính phủ không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào nếu ngay từ đầu không đạt được những bảo đảm cần thiết. Ngoài ra, các nghị sĩ cũng nêu các điều kiện khác để Iran trở lại thỏa thuận, gồm tất cả biện pháp trừng phạt phải được dỡ bỏ và Tehran phải nhận được tiền từ hoạt động xuất khẩu. Bởi, Iran khẳng định, việc Mỹ và các nước châu Âu đã không tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA, xét về những tác động kinh tế với Iran và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, thỏa thuận giờ chỉ còn là vỏ bọc rỗng.

Lá thư được gửi đến người đứng đầu Chính phủ Iran trong bối cảnh các bên tham gia vòng đàm phán đang diễn ra tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục JCPOA đang tiến đến những bước cuối cùng và được đánh giá sẽ sớm đạt thỏa thuận nếu chấp nhận nhượng bộ hơn nữa. Những điều kiện được các nghị sĩ Iran đưa ra được cho là thông điệp về "lằn ranh đỏ" gửi tới các nhà đàm phán Iran tại Vienna với những giới hạn nhất định và sự không khoan nhượng trong một số vấn đề. Iran khẳng định sẽ không tiến hành thêm bất kỳ một cuộc đàm phán nào ngoài khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân với "một nước Mỹ không tuân thủ cam kết và một châu Âu thụ động".

Khẳng định chưa cảm thấy có sự bảo đảm nào, đầu tiên là từ phía Mỹ, Iran đã kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hành một thông cáo chính trị rằng, Washington cam kết sẽ tuân thủ nếu các bên tham gia đàm phán tại Vienna đạt được thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA. Iran đề xuất đến các đối tác phương Tây rằng, ít nhất các quốc hội hoặc chủ tịch quốc hội của mỗi nước, trong đó có Mỹ, phải đưa ra tuyên bố dưới dạng thông cáo chính trị thể hiện cam kết tuân thủ thỏa thuận đạt được tại Vienna và trở lại tuân thủ JCPOA.

Ðộng thái cứng rắn từ phía Iran nhằm đưa ra một phản ứng tương xứng với phía Mỹ. Hơn 160 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang đe dọa phá vỡ một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran, đồng thời cảnh báo Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) rằng, bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết mà không có sự chấp thuận của Quốc hội sẽ vấp phải sự phản đối và sẽ bị lật ngược nếu đảng Cộng hòa giành lại thế đa số. Trong một bức thư gửi Tổng thống Biden, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bày tỏ phản đối khi đề cập đến các thông tin Iran yêu cầu "bảo đảm" rằng Mỹ sẽ không bao giờ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Tehran đồng ý tuân thủ thỏa thuận. Họ cho rằng, một thỏa thuận như vậy sẽ không mang tính ràng buộc.

Các nghị sĩ Mỹ đòi loại bỏ hoàn toàn năng lực làm giàu urani của Iran và tái xử lý cơ sở hạ tầng có liên quan đến hạt nhân, yêu cầu Tehran thả tất cả con tin người Mỹ và chấm dứt tài trợ khủng bố. Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cũng gửi bức thư tới Tổng thống Biden trong nỗ lực ngăn chặn Mỹ quay trở lại JCPOA bởi họ cho rằng bất kỳ hành động nào đi quá xa đều sẽ đẩy việc quay trở lại JCPOA rơi vào vùng rủi ro nghiêm trọng. Phía Mỹ không muốn có một thỏa thuận mà không bảo đảm chắc chắn việc Iran sẽ từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân như Washington lo ngại.

Những đòi hỏi của cả Iran và Mỹ được cho là đều khó có thể chấp nhận với phía bên kia. Iran cho rằng đến lúc các nước phương Tây phải chứng minh "thiện chí thật sự" tiến tới thỏa thuận tại Vienna, trong khi phía Mỹ đòi Iran phải có thái độ "nghiêm túc hơn" trong đàm phán. Nút thắt quan trọng nhất liên quan những bất đồng sâu sắc giữa Iran với Mỹ chưa được gỡ bỏ trong các cuộc đàm phán thì khó có thể khép lại một "hồ sơ hạt nhân" gai góc.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com