Ngày 21/2, Ðiện Elysee ra thông cáo cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin) đã chấp thuận về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm cấp cao về Ukraine với điều kiện không có hành động quân sự giữa Moskva và Kiev.
Theo đề xuất của Tổng thống Pháp, thành phần tham gia hội đàm sẽ được mở rộng, gồm các bên liên quan để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 giờ tối 20/2. Ðây là cuộc điện đàm thứ hai của hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga trong ngày, sau cuộc thảo luận kéo dài gần hai giờ trước đó, trong khuôn khổ những cuộc trao đổi giữa Tổng thống Pháp với các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ nhằm tăng cường các nỗ lực ngoại giao để tránh xung đột lớn tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới vấn đề Ukraine. (Ảnh: Fox News/Vietnam+) |
Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn) cho rằng, những cam kết được Tổng thống Nga đưa ra với người đồng cấp Pháp trong điện đàm là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng người đứng đầu Ðiện Kremlin vẫn sẵn lòng tham gia vào giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng liên quan Ukraine. Theo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Johnson đã thảo luận với ông Macron sau khi Tổng thống Pháp điện đàm với nhà lãnh đạo Nga.
Về tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho rằng, chính quyền ở Kiev đã khiến căng thẳng leo thang ở miền Ðông Ukraine, song nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra hướng đi cho cuộc khủng hoảng. Ông đồng thời lặp lại lời kêu gọi Mỹ và NATO xem xét một cách nghiêm túc các yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra.
Một loạt quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bảo vệ quyết định trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ phe đối lập. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói rằng, mục đích của các biện pháp trừng phạt trước hết là nhằm ngăn chặn Nga không đi tới chiến tranh và một khi kích hoạt những biện pháp trừng phạt đó thì việc ngăn chặn cũng không còn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nếu xảy ra xung đột lớn tại Ukraine, Pháp sẽ hỗ trợ Kiev thông qua các biện pháp trừng phạt với "áp lực chưa từng có" đối với nền kinh tế Nga. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michel Barnier (M.Bác-ni-ê) lên tiếng ủng hộ đối thoại với Nga.
Ba Lan, nước giữ cương vị Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận, tổ chức này tiến hành phiên họp bất thường của Hội đồng thường trực trong ngày 21/2 nhằm tìm cách "hạ nhiệt" căng thẳng tại Ukraine. Phiên họp được triệu tập theo yêu cầu của Ukraine để thảo luận những diễn biến mới nhất và những bước đi của OSCE nhằm tránh một cuộc xung đột vũ trang.
Theo nhandan.com.vn