Ngày 9-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và nhiều lãnh đạo thế giới đã kêu gọi các nước đóng góp khoảng 23 tỷ USD cho COVAX - sáng kiến cung cấp vắc-xin công bằng trên toàn cầu của LHQ - để có thể chấm dứt được đại dịch COVID-19 vào cuối năm nay.
Trong gần hai năm qua, sáng kiến COVAX do LHQ khởi xướng từ tháng 4-2020, chỉ vài tuần sau khi thế giới công bố đại dịch COVID-19, đã giúp đẩy nhanh khả năng xét nghiệm, điều trị cũng như tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Chương trình mà LHQ và các nhà lãnh đạo thế giới phát động ngày 9-2 là nhằm có được nguồn tài chính để triển khai sáng kiến COVAX, hiện đang thiếu hụt khoảng 16 tỷ USD, chưa kể 7 tỷ USD khác cần cho công tác vận chuyển tại các nước được tài trợ vắc-xin.
Palestine đình chỉ mọi thỏa thuận đã ký với Israel
Ngày 9-2, Hội đồng Trung ương Palestine (PCC) tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký với Israel.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 3 ngày của PCC tại thành phố Ramallah, khu Bờ Tây. Tuyên bố nêu rõ, do Israel đang từ chối thực hiện các thỏa thuận đã ký, PCC quyết định chấm dứt nghĩa vụ của PLO và Chính quyền Palestine đối với tất cả các thỏa thuận đã ký với Israel. PCC quyết định đình chỉ công nhận Nhà nước Israel cho đến khi nước này công nhận Nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở biên giới năm 1967, với Thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời ngừng ngay việc thành lập các khu định cư. Ngoài ra, quyết định trên cũng bao gồm đình chỉ hợp tác an ninh, từ bỏ các dự án kinh tế hòa bình cũng như các biện pháp củng cố sự tin cậy được Israel đưa ra.
Malaysia nỗ lực cứu loài hổ Mã Lai khỏi bị tuyệt chủng
Tại Malaysia, tương lai của hổ Mã Lai, một trong sáu phần loài hổ trên thế giới và được chọn trang trí trên quốc huy của nước này đang rất u ám. Số lượng của loài hổ Mã Lai trong tự nhiên đã giảm từ khoảng 500 con vào đầu những năm 2000 xuống còn dưới 150 con hiện nay. Loài hổ này đã được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp vào năm 2015.
Để cứu loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các tổ chức phi chính phủ như Chương trình Bảo tồn hổ của chi nhánh Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang làm việc với cơ quan chức năng của Chính phủ Malaysia trong một sáng kiến có tên “MY CAT”. Sáng kiến này đã khởi động việc sử dụng thổ dân địa phương để tuần tra trong các khu rừng có hổ Mã Lai sinh sống, tìm kiếm dấu hiệu của lâm tặc và những hoạt động xâm nhập trái phép vào khu vực bảo tồn... qua đó quyết tâm cùng với chính phủ đưa loài hổ Mã Lai thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng./.
PV