Ngày 8-2, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 625 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 ca mắc mới trong 1 ngày.
Phát biểu với báo giới chiều 8-2, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết từ ngày 10 đến ngày 24-2, đặc khu này sẽ đóng cửa các đền chùa và tiệm làm tóc. “Thẻ thông hành vắc-xin” sẽ được triển khai từ ngày 24-2 và địa điểm áp dụng sẽ tăng lên thành 23 địa điểm, theo đó, chỉ những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 mới được đến các địa điểm như đền chùa, tiệm làm tóc, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa, siêu thị, chợ...
Mỹ cân nhắc mọi phương án nhằm giảm giá dầu
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đàm phán với các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới để hạ nhiệt thị trường năng lượng, đồng thời khẳng định Washington sẽ cân nhắc mọi phương án.
Phát biểu với báo giới ngày 8-2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết giới chức nước này đang cùng các đối tác sản xuất dầu xem xét tăng sản lượng, trong khi với các nước tiêu thụ dầu, Washington bàn về việc mở kho dự trữ chiến lược. Tháng 11-2021, Mỹ đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để “hạ nhiệt” giá nhiên liệu. Tuy nhiên, giá dầu mỏ chỉ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục trong 7 năm. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 8-2, giá dầu Brent giảm 22 cent, tương đương 0,24%, xuống 92,47 USD/thùng, sau khi chạm mức cao kỷ lục 94 USD/thùng trong 7 năm qua. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 cent, hay 0,16%, xuống 91,18 USD/thùng. Khi được hỏi về liệu Mỹ có hợp tác với các nước xuất thêm dầu mỏ từ kho dự trữ chiến lược hay không, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ mọi phương án vẫn đang được cân nhắc.
Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ, thảo luận cách thức mà gói kích thích chi tiêu và chống biến đổi khí hậu của chính phủ, hiện đang bị “giậm chân tại chỗ”, có thể giúp cân đối lại giá nhiên liệu.
Đàm phán hạt nhân Iran nối lại tại Vienna
Các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã được lặng lẽ nối lại tại Vienna (Áo) vào ngày 8-2 với kỳ vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong những tuần tới.
Phát biểu về vòng đàm phán này, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, bày tỏ hy vọng các bên sẽ nhanh chóng đạt được kết quả dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng lớn. Thông tin về cuộc họp xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Mỹ thông báo quyết định khôi phục việc tạm ngừng trừng phạt Iran, mở đường cho Tehran được thực hiện các dự án hợp tác hạt nhân dân sự với các đối tác quốc tế. Giới chức Iran đã hoan nghênh quyết định này của Mỹ song vẫn cho rằng điều này là chưa đủ và yêu cầu Washington cần thể hiện thiện chí rõ ràng hơn nữa trong các hành động thực tế khác./.
PV