Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá dầu tăng và đe dọa nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) đã khiến các nhà lãnh đạo EU tích cực “ngoại giao con thoi” để tìm “lối thoát hiểm” cho an ninh năng lượng châu Âu. Tổng thống Pháp sẽ tới Nga hôm nay (7/2) và Ukraine ngày 8/2, Thủ tướng Đức sẽ công du Ukraine ngày 14/2 và tới Nga ngày 15/2 nhằm hạ nhiệt điểm nóng bất ổn tại khu vực.
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka, vùng Kiev, Ukraine. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN) |
Căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông gần đây cùng với đà phục hồi mạnh lên của kinh tế toàn cầu đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, trong đó giá dầu Brent và WTI đã tăng lần lượt 17% và 20% từ đầu năm 2022 đến nay. Giá dầu châu Á cũng đã vượt mốc 90 USD/thùng trong phiên sáng 4/2 vừa qua. Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng lên mức 91,27 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng lên mức 90,55 USD/thùng, sau khi tăng 2,01 USD lên mức hơn 90 USD/thùng khi đóng cửa phiên giao dịch trước đó, lần đầu tiên kể từ ngày 6/10/2014. Theo thống kê, giá hai loại dầu chủ chốt này đều hướng đến tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp. Nhiều nhà phân tích dự báo, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông cùng nguồn cung gián đoạn và việc tăng sản lượng khai thác dầu hạn chế có thể đẩy giá “vàng đen” lên mức ba con số trong năm 2022 này.
Trong bối cảnh nêu trên, các quốc gia EU đang nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng, bởi Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Các chuyên gia phương Tây quan ngại rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang sẽ dẫn đến việc Moskva ngừng cung cấp khí đốt tới EU. Hiện tại, các nhà lãnh đạo EU đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt để giảm phụ thuộc vào Nga. Báo chí EU cho biết, ngày 7/2, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (G.Bo-ren) sẽ tới Mỹ để họp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Antony Blinken (A.Blinh-ken) nhằm tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đồng thời hai ông cùng chủ trì cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ. Hội đồng nói trên có vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác về an ninh năng lượng nên được kỳ vọng giúp giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh hiện nay.
Trước đó, vào hôm 4/2, một phái đoàn của EU cũng đã tới Azerbaijan nhằm thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cho EU. Tại thủ đô Baku, Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simson (C.Xim-xơn) và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (I.A-li-ép) đã đồng chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên của các nước tham gia Hành lang khí đốt phía Nam (SGC). SGC là một tổ hợp gồm ba đường ống dẫn khí đốt nối Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và cuối cùng là biển Adriatic, đến Italia. Hoàn thành vào năm 2020, mạng lưới này nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Sau cuộc họp nói trên, bà Kadri Simson nhấn mạnh SGC là chiến lược đối với chính sách đa dạng hóa năng lượng của EU và bảo đảm an ninh nguồn cung, đồng thời khẳng định hành lang này là “thành công lớn”.
Bên cạnh tìm các nguồn cung khí đốt mới, các nhà lãnh đạo EU cũng đang nỗ lực hạ nhiệt “điểm nóng” căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine trong bối cảnh các bên lo ngại về các động thái leo thang quân sự tại khu vực. Theo kế hoạch vừa công bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) sẽ tới Nga và Ukraine, hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin) tại Moskva vào hôm nay (7/2) và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) tại Kiev vào ngày mai (8/2). Mục tiêu của chuyến thăm này là đạt được bước tiến trong “tháo ngòi căng thẳng” giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Pháp có quan điểm rằng châu Âu cần duy trì các kênh liên lạc với Nga. Trao đổi với Tổng Thư ký NATO trước chuyến thăm, ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì đối thoại để tìm ra con đường giảm leo thang căng thẳng trong sự thống nhất”.
Trong khi đó, báo chí EU cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vào ngày 7/2 tại Washington nhân dịp dự Hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Sau cuộc gặp này, Thủ tướng Đức sẽ công du Ukraine ngày 14/2 và tới Nga ngày 15/2, để thảo luận về căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Nga xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cùng quan điểm thiện chí như các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Di Maio cũng vừa lên tiếng nhấn mạnh rằng, phương Tây cần phải nỗ lực để tránh một vòng xoáy leo thang có thể làm giảm hiệu quả của sáng kiến chính trị và ngoại giao.
Các quốc gia EU đang cố gắng tìm “lối thoát hiểm” cho năng lượng trước hết là vì lợi ích của chính EU. Tuy nhiên, các động thái ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng nêu trên có ý nghĩa quan trọng giúp các bên, nhất là Nga và Mỹ giữ được “cái đầu lạnh” trong việc kiểm soát “thùng thuốc súng Ukraine” đang có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến đẩy cả châu Âu và kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng mới.
Theo nhandan.com.vn