Trong bối cảnh một số quốc gia như Đan Mạch hiện đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế chống COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng còn quá sớm để các quốc gia tuyên bố chiến thắng.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sỹ) vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng”. Nhấn mạnh rằng “loại virus này rất nguy hiểm và tiếp tục phát triển trước mắt chúng ta”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thời lưu ý rằng WHO hiện đang theo dõi “4 biến thể con của Omicron đang được quan tâm, bao gồm cả BA.2”.
Lời kêu gọi về sự thận trọng được Tổng giám đốc WHO đưa ra khi hầu hết các nơi trên thế giới đang phải đối mặt với số người tử vong do COVID-19 ngày càng gia tăng; đồng thời, một số quốc gia đang xem xét việc quay trở lại trạng thái bình thường. Đó là trường hợp của Đan Mạch, quốc gia gần như đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế áp đặt trong nước, khi biến thể Omicron tiếp tục lan rộng trong dân.
Người đứng đầu WHO bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia cho biết do vắc-xin và khả năng lây truyền cao của Omicron, cũng như giảm bớt thận trọng, mà việc ngăn chặn sự lây truyền “sẽ không còn có thể nữa”. Trong khi đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhắc lại rằng “loại virus này rất nguy hiểm”, đặc biệt là vì virus Corona mới sẽ tiếp tục phát triển.
Do đó, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục thử nghiệm, giám sát virus và trình tự của nó. “Chúng ta không thể chống lại loại virus này nếu chúng ta không biết nó đang làm gì. Và chúng ta phải tiếp tục làm việc để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với vắc-xin” - Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh. Ông cũng đánh giá rằng nếu virus tiếp tục phát triển thì “vắc-xin cũng có thể cần phải phát triển”, đặc biệt là vì “các biến thể SARS-CoV-2 có thể tiếp tục né tránh các kháng thể trung hòa do vắc-xin chống lại các biến thể trước đó tạo ra”.
Ngoài ra, nguồn chứa beta-coronavirus rất lớn và có khả năng xảy ra quá trình lai tạo chéo với người. Người đứng đầu WHO cho biết: “Nếu chúng ta chuẩn bị ngay từ bây giờ, thời gian cần thiết để sản xuất vắc-xin trên quy mô lớn sẽ giảm xuống và sẽ cứu được nhiều mạng sống”.
Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định chỉ 10 tuần trước, gần 90 triệu trường hợp đã được báo cáo cho WHO, nhiều hơn số lượng được báo cáo trong cả năm 2020. “Nhiều lây truyền hơn đồng nghĩa với nhiều ca tử vong hơn” - Tiến sĩ Tedros cảnh báo, đồng thời bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 ở hầu hết các nơi trên thế giới”.
Tuần trước, 22 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được báo cáo trên toàn thế giới. Bà Maria Van Kerkhove, phụ trách bộ phận các bệnh mới nổi của WHO, cho biết: “Điều đáng lo ngại hơn là số ca tử vong gia tăng mạnh” và cần thận trọng vì “nhiều quốc gia chưa vượt quá đỉnh Omicron và nhiều quốc gia có mức độ tiêm chủng thấp”.
Nói chung, Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý cần tránh bất kỳ việc dỡ bỏ nhanh chóng các hạn chế. “Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào khôi phục các lệnh đóng cửa. Nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ người dân của họ bằng cách sử dụng tất cả các công cụ hiện có, không chỉ vắc-xin” - Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh.
Còn theo Tiến sĩ Van Kerkhove, “bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ đồng thời tất cả các hạn chế”. “Chúng tôi luôn khuyến khích thận trọng khi thiết lập các chỉ số và dỡ bỏ chúng từng phần. Mỗi quốc gia phải thực hiện nó bằng cách phân tích tình hình của mình” - bà nhận xét.
Về vấn đề này, Giám đốc điều hành phụ trách các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tại WHO Mike Ryan muốn ngăn chặn bất kỳ sự bắt chước nào. “Xin đừng chỉ làm theo những gì các nước khác đang làm. Bạn phải nhìn vào tình hình của chính mình và “vạch ra con đường của riêng bạn” để thoát khỏi đại dịch” - Tiến sĩ Mike Ryan nói.
Theo Tiến sĩ Mike Ryan, “nếu chúng ta muốn mở lại nhanh chóng, chúng ta cũng phải có khả năng mở lại nhanh chóng”. “Bạn phải thông báo cho cộng đồng. Bạn phải linh hoạt và sẵn sàng thay đổi các quy tắc” - ông nói. “Rất vui khi một số quốc gia chuyển sang giai đoạn kiểm soát khác của COVID-19, nhưng chúng ta phải biết rằng đây không phải là con đường thẳng”.
Về phần mình, Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng, Vắc-xin và Sinh phẩm của WHO giải thích: “Phải nói đi nói lại rằng vắc-xin có tác dụng. Ở các quốc gia mà việc tiếp cận với vắc-xin được phổ biến, phần lớn những người nhập viện là những người không tiêm vắc-xin”.
Theo số liệu do WHO công bố ngày 1-2, đại dịch đã chính thức cướp đi sinh mạng của hơn 5,65 triệu người trên toàn thế giới kể từ cuối tháng 12 năm 2019, trong số hơn 373 triệu trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận. Tính đến ngày 31-1-2022, gần 10 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn thế giới, phần lớn là ở các nước giàu./.
Theo dangcongsan.vn