Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) đã kêu gọi các nước hợp tác cùng nhau để chấm dứt giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. WHO thông báo Ðức đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức này.
Người dân Ðức ngồi chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. |
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ phụ thuộc một phần vào việc thế giới tuân thủ “Nghị quyết Năm mới”, theo đó tiêm phòng cho 70% dân số của tất cả các quốc gia từ nay cho đến tháng 7/2022. Ông khẳng định chấm dứt bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế vẫn là chìa khóa để chấm dứt đại dịch.
Sau cuộc họp với lãnh đạo 16 bang, Thủ tướng Olaf Scholz (Ô.Sôn) cho biết Chính phủ Ðức sẽ duy trì các biện pháp phòng, chống dịch hiện hành, nhưng sẽ thay đổi chiến lược xét nghiệm PCR do tình trạng quá tải. Theo kế hoạch, Hạ viện Ðức sẽ thảo luận về quy định tiêm chủng bắt buộc vào ngày 26/1. Hiện có hơn 75% dân số Ðức đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn tỷ lệ này đạt mức 90%.
Nhật Bản mở rộng áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 địa phương, thời gian áp dụng từ ngày 27/1 đến 20/2. Trong cuộc họp báo ngày 25/1, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng cần cảnh giác ở mức cao nhất đối với tình hình dịch hiện tại và việc ban bố trở lại tình trạng khẩn cấp sẽ được cân nhắc trên cơ sở tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế của các địa phương.
Chính phủ Thái Lan triển khai mũi tiêm ngừa Covid-19 thứ 4 cho 2,5 triệu người dân tại các địa phương có ngành du lịch là mũi nhọn trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở cửa biên giới. Từ ngày 1/2 tới, Thái Lan nối lại chương trình du lịch “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) vốn đã thu hút khoảng 350.000 lượt du khách trong hai tháng vừa qua trước khi bị tạm dừng do lo ngại nguy cơ lây lan mạnh biến thể Omicron.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cùng Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo người dân nước này tránh đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, do lo ngại sự lây lan của đại dịch. Ðến nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo hạn chế đi lại đối với 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hồi tháng 12/2021, chính quyền Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với 8 quốc gia ở phía nam châu Phi, trong đó có Nam Phi.
Theo nhandan.com.vn