Dịch Covid-19 và lạm phát gây ra các rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các chính phủ tiếp tục đối mặt những thách thức trong năm 2022 do nguy cơ khó lường xuất phát từ hai yếu tố này, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã vạch ra các hành động trước mắt và lâu dài nhằm ổn định nền kinh tế thế giới.
Dòng người xếp hàng chờ nhận thực phẩm ở Nam Phi. Ảnh REUTERS |
Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo ra những nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương. Dịch bệnh hoành hành làm chao đảo nhiều cường quốc, trong khi nhiều nước đang phát triển do nguồn lực tài chính hạn chế, điều kiện y tế lạc hậu, cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu được đánh giá có thể sẽ gây thiệt hại cho nhiều quốc gia và khu vực. Từ giữa năm 2021 đến nay, lạm phát của Mỹ và châu Âu liên tục tăng mạnh, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 11/2021 của Mỹ là 6,8%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Con số này của khu vực đồng euro là 5%, mức cao nhất trong 25 năm.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 lan rộng, cùng với lạm phát, nợ và bất bình đẳng làm gia tăng bất ổn. Lạm phát dai dẳng và mức nợ công kỷ lục hiện đã vượt quá 26.000 tỷ USD. Tăng trưởng toàn cầu năm 2022 được dự báo ở mức 4,1%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, nếu điều tiết phù hợp tốc độ này sẽ đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư ở các nền kinh tế này về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023.
Bất chấp hàng loạt thách thức, các chuyên gia vẫn kỳ vọng kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh, với sự phối hợp chặt chẽ, các ngân hàng trung ương thế giới và các cơ quan tài chính giúp thế giới tránh một cuộc đại suy thoái khác. Tuy nhiên, trong năm 2022, việc có được các chính sách linh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều yếu tố gây trở ngại phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách. Ðặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng phản ánh sự chênh lệch nguy hiểm giữa các quốc gia, trong đó hơn 86 quốc gia không đạt chỉ tiêu tiêm chủng. Trong khi đó, hơn 60% quốc gia đang phát triển đang phải gánh chịu cảnh nợ nần chồng chất, nhiều hơn gấp đôi so với một vài năm trước đây. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len) lạc quan cho rằng, biến thể Omicron sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng sẽ không thể cản đà phục hồi của nền kinh tế số một thế giới. Omicron sẽ tác động đến một số chỉ số kinh tế Mỹ trong những tháng tới, nhưng sẽ không làm chệch hướng đà phục hồi của kinh tế Mỹ, vốn đang ở một trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất trong một thế kỷ. Gói cứu trợ kinh tế "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" mà Tổng thống Biden (Bai-đơn) thúc đẩy và được Quốc hội thông qua hồi tháng 3 năm ngoái được coi như liều vắc-xin cho nền kinh tế Mỹ, bảo vệ đà phục hồi trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Liên minh châu Âu (EU) được cho là chưa xuất hiện áp lực lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát và khó có thể thấy kiểu lạm phát gia tăng như tại Mỹ hiện nay. Mặc dù vậy, đại dịch đã gây thiệt hại rất lớn. Ðối với Ðức, đầu tàu kinh tế châu Âu, Covid-19 đã gây thiệt hại lên tới 350 tỷ euro, khiến chính phủ nước này phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022. Tại châu Á, theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), nợ công ở Nhật Bản hiện đã hơn 200% GDP, nhưng chính phủ dự kiến thặng dư ngân sách sẽ trở lại từ năm 2025, nợ công sẽ giảm xuống. Dự kiến, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản khoảng 1% vào năm 2022.
Những khuyến nghị nhằm "giải cứu" kinh tế thế giới trước tác động khôn lường từ biến thể mới của Covid-19 đã được các nhà hoạch định chính sách đưa ra. Tuy nhiên, trước hàng loạt nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đối diện, việc có hóa giải hiệu quả những rủi ro hay không cần đến sự phối hợp hành động, chung tay đối phó của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Theo nhandan.com.vn