Nhật Bản công bố sáng kiến đầu tư vào Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), tập trung trong bốn lĩnh vực gồm chuỗi cung ứng, kết nối, đổi mới kỹ thuật số và nguồn nhân lực. Nhật Bản nhận định, một khu vực ổn định và dễ dự đoán, coi trọng thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương như ASEAN sẽ mang lại nhiều giá trị cho quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản.
Hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản. |
Công bố sáng kiến đầu tư vào ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản nhằm tránh nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Khu vực tư nhân của Nhật Bản đang thể hiện rõ chính sách ưu tiên của họ dành cho ASEAN. Theo Bộ trưởng Koichi, Nhật Bản đã chi khoảng 300 triệu USD để hỗ trợ 92 công ty tư nhân nhằm đa dạng chuỗi cung ứng tại ASEAN và có kế hoạch tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ trong năm 2022.
Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số, thông qua việc chọn lọc và hỗ trợ 100 dự án tốt nhất với các nước ASEAN và châu Á trong lĩnh vực này. Tokyo công bố khoản hỗ trợ khoảng 9 triệu USD trong giai đoạn đầu. Công ty bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã đưa ra cam kết hỗ trợ tăng cường chuỗi cung ứng kỹ thuật số.
Ngành công nghiệp ô-tô tại ASEAN sẽ là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ và khối tư nhân của Nhật Bản dành sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới. Nhiều nhà sản xuất ô-tô của Nhật Bản đang tìm thị trường sản xuất xe điện, trong khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm hiện đại trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô-tô, nhất là các thế hệ xe sử dụng nhiên liệu sạch như xe chạy bằng điện hay nhiên liệu sinh học…
Nhằm đẩy mạnh lĩnh vực kết nối, ASEAN và Nhật Bản tích cực thúc đẩy tiến trình xây dựng luật thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định đối tác kinh tế (EPA) song phương và cũng như ở cấp khu vực. Phía Nhật Bản cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự kinh tế tự do và công bằng nhằm bảo đảm Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ vận hành tốt trong vai trò của một nền tảng khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua.
Với sự hỗ trợ từ các chính phủ, các công ty tư nhân của Nhật Bản và ASEAN tích cực cập nhật xu hướng số hóa các thủ tục thương mại. Theo đó, tài liệu thương mại sẽ được số hóa và các nền tảng thương mại kỹ thuật số sẽ được thiết lập, tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ thông tin một cách an toàn thông qua biện pháp sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Trong hai năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp khoảng 8 triệu USD cho 40 dự án mới hỗ trợ các liên minh của các công ty Nhật Bản và ASEAN đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội tại địa phương, nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp mới cũng như đổi mới kỹ thuật số gắn với xây dựng xã hội bền vững. Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 9 triệu USD để thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực này giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và ASEAN. Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho 50.000 chuyên gia châu Á có tay nghề cao tìm kiếm việc làm trong các công ty Nhật Bản tại châu Á, cũng như tại Nhật Bản trong 5 năm tới.
Với một loạt dự án đã và đang triển khai, cũng như những triển vọng hợp tác trong kế hoạch mà Nhật Bản vừa công bố, có thể thấy rõ việc Tokyo đánh giá cao vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi khẳng định, đối với Nhật Bản, việc hỗ trợ nâng cao năng lực của ASEAN có ý nghĩa hết sức quan trọng với Tokyo, bởi một ASEAN ổn định, thịnh vượng rất cần thiết đối với sự phục hồi kinh tế của chính Nhật Bản.
Theo nhandan.com.vn