Năm mới với nỗi lo không cũ

08:01, 10/01/2022

“Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Omicron là biến thể nhẹ” - cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra đúng lúc thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt mốc 300 triệu ca với Omicron là biến thể chủ đạo ở nhiều nơi. 

Sau Pháp, đến lượt CH Cyprus thông báo phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Những diễn biến trong tuần đầu tiên của Năm mới 2022 cho thấy vẫn chưa thể có đáp án chính xác cho câu hỏi liệu đại dịch có thể kết thúc trong năm nay hay không.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca mắc mới ghi nhận trên toàn thế giới trong 7 ngày qua đã tăng 71% so với 1 tuần trước đó. Đây là mức tăng kỷ lục theo tuần kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu vào đầu năm 2020. Đáng lưu ý, tuần đầu năm 2022 ghi dấu mốc trung bình hơn 2 triệu ca mắc mới mỗi ngày, gấp đôi so với con số trung bình hàng ngày trong tuần cuối cùng của năm 2021. 

Dù các nghiên cứu đã cho thấy Omicron không gây bệnh nặng như “người anh em” Delta, nhưng rõ ràng việc biến thể này lây lan nhanh chóng đặt ra sức ép khổng lồ đối với hệ thống y tế các nước. Đây là lý do khiến người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phải cảnh báo thế giới không được coi nhẹ Omicron. Theo ông Tedros, những con số báo cáo nêu trên chưa phải là con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải. Ông cho rằng với đà lây lan của Omicron hiện nay, các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 và “cơn sóng thần” Omicron sẽ “nhấn chìm” hệ thống y tế thế giới còn chưa kịp phục hồi sau sức tàn phá của Delta.

Thực tế cho thấy, không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng, các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội cũng bị đình trệ. Đơn cử như tại Mỹ, dù số ca mắc mới gia tăng chưa dẫn đến tình trạng số ca bệnh nặng và tử vong tăng mạnh, nhưng hệ quả có thể cảm nhận rõ. Nhiều chuyến bay bị hủy bỏ; các trường học, văn phòng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa; các bệnh viện quá tải và các chuỗi cung ứng tắc nghẽn.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như bảo vệ người dân trước sự tấn công của Omicron, nhiều nước đã siết chặt các quy định phòng dịch, đồng thời tăng tốc chương trình tiêm chủng, cả tiêm cơ bản và tiêm bổ sung. Đây cũng là một thách thức trong cuộc chiến chống dịch dai dẳng tại nhiều nước, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập thấp không thể tiếp cận vắc-xin.

Tổng Giám đốc WHO cho rằng sự bất bình đẳng vắc-xin là yếu tố làm gia tăng số ca tử vong do COVID-19 và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông Tedros kêu gọi thế giới chia sẻ vắc-xin công bằng hơn trong năm 2022 để chấm dứt "cái chết và sự hủy diệt" do COVID-19.

Một năm mới sẽ lại bắt đầu bằng những câu chuyện cũ xoay quanh COVID-19 và câu hỏi đến khi nào cuộc sống của người dân trên toàn thế giới mới thực sự được khôi phục trạng thái bình thường, trừ khi cộng đồng quốc tế cùng hành động./.

Theo Báo Tin Tức



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com