Vào thời điểm hai năm sau đại dịch COVID-19, việc đóng cửa trường học tiếp tục làm trầm trọng thêm điều mà Tổng thư ký Liên hợp quốc gọi là “một cuộc khủng hoảng học tập toàn cầu”.
Trong thông điệp đưa ra ngày 24-1, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ: “Nếu chúng ta không hành động, tỷ lệ trẻ em bỏ học ở các nước đang phát triển không biết đọc có thể tăng từ 53 lên 70%”. Nhắc lại “sự hỗn loạn” mà COVID-19 gây ra trong giáo dục trên toàn thế giới, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng vào đỉnh điểm của đại dịch, khoảng 1,6 tỷ học sinh và sinh viên đã bị gián đoạn việc học. Mặc dù tình hình đã được cải thiện song ông Guterres cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và những biến động còn vượt ra ngoài các vấn đề về tiếp cận và bất bình đẳng.
Theo ông António Guterres, thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt: đổi mới kỹ thuật, những thay đổi mạnh mẽ trong thế giới việc làm, thực trạng khẩn cấp về khí hậu... Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng các hệ thống giáo dục thông thường phải “đấu tranh để truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị mà chúng ta cần để mang lại một tương lai tốt hơn, xanh hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người”.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nhấn mạnh sự cần thiết phải phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua. Đề cập đến một nghiên cứu của Liên hợp quốc và những thách thức nảy sinh liên quan đến việc trao quyền cho trẻ em và thanh niên, ông Shahid nhấn mạnh học sinh và sinh viên trên khắp thế giới có thể mất tổng cộng 17 nghìn tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời do những tác động của đại dịch. Theo ông, con số này thể hiện lời kêu gọi thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, trao quyền cho trẻ em gái và trẻ em trai, đặc biệt là những trẻ em ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, đồng thời tăng cường hỗ trợ người khuyết tật, cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác. Ông lập luận: “Trong một thế giới ngày càng phức tạp, không chắc chắn và bấp bênh, kiến thức, giáo dục và học tập phải được hình dung lại”.
Mặt khác, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng cho rằng thế giới cần “một hệ thống giáo dục có thể khai thác trí tuệ tập thể của nhân loại”. Ông kết luận: “Một hệ thống tiến bộ thay vì lật đổ khát vọng của chúng ta về giáo dục hòa nhập dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng và tôn trọng nhân quyền”.
Theo dữ liệu mới công bố hôm 24-1 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), các trường học hiện đang mở cửa ở 135 quốc gia và đã bị tạm ngừng kéo dài kỳ nghỉ cuối năm ở 25 quốc gia khác. Kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron, chỉ có hơn 10 quốc gia chọn đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức học hoàn toàn từ xa thay vì trực tiếp. Trái ngược hoàn toàn là “so với cùng kỳ năm trước, khi các trường học bị đóng cửa hoàn toàn và việc giảng dạy hoàn toàn từ xa ở 40 quốc gia”.
Theo UNESCO, điều này cho thấy phần lớn các quốc gia đang vận dụng các bài học của hai năm qua để giữ cho các lớp học có thể tiếp cận được với các quy trình an toàn và sức khỏe được tăng cường. Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “Giáo dục tiếp tục bị gián đoạn sâu sắc bởi đại dịch, nhưng tất cả các quốc gia hiện đã nhận thức đầy đủ về tổn thất lớn của việc đóng cửa trường học, như UNESCO đã nói trong hai năm qua”. Hàng chục quốc gia được nghiên cứu - bao gồm Brazil, Pháp, Kazakhstan, Mexico, Palestine và Ukraine - hiện sử dụng cái gọi là hệ thống giám sát “đèn giao thông” để kích hoạt các biện pháp khác nhau tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm: đeo khẩu trang, rửa tay, thông gió, cũng như việc đóng cửa các lớp theo từng trường hợp cụ thể để tránh ảnh hưởng đến tất cả học viên. Các quốc gia khác, bao gồm Canada, Pháp, Vương quốc Anh và Italy cũng sử dụng chính sách thử nghiệm nhanh và hàng loạt. UNESCO một lần nữa kêu gọi nỗ lực hơn nữa trong việc tiêm chủng cho các nhà giáo dục, trong khi chỉ ra rằng ở 1 trong 3 quốc gia, các giáo viên “vẫn không được coi là đối tượng ưu tiên”.
Đối với người đứng đầu UNESCO, cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa tất cả trẻ em đã bỏ học trở lại trường và khắc phục tình trạng thất học. Bà Azoulay cảnh báo: Nếu các biện pháp khắc phục không được thực hiện và không tập trung vào những học sinh dễ bị tổn thương nhất, đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn do UNESCO và Hiệp hội Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế thực hiện, hơn 50% giáo viên nói rằng học sinh không tiến bộ đến mức mong đợi. Trong nghiên cứu được thực hiện ở 11 quốc gia này, hầu hết các giáo viên đều đồng ý rằng rất khó để cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những học sinh dễ bị tổn thương. Và hơn 50% sinh viên cho biết họ lo lắng về những thay đổi đang diễn ra./.
Theo dangcongsan.vn