Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, đến cuối năm 2022, thế giới có thể có thêm hàng triệu trẻ em trở thành những lao động "bất đắc dĩ" do tác động của đại dịch Covid-19, nghèo đói và xung đột. Theo Liên hợp quốc, năm 2020 ghi nhận mức tăng số lượng lao động trẻ em lần đầu sau 20 năm, cho thấy tiến trình xóa bỏ lao động trẻ em còn nhiều gian nan.
Nhiều trẻ em Afghanistan phải lao động mưu sinh. Ảnh TTXVN |
Năm 2021 được xem là một năm thành công đối với cảnh sát trưởng người Côte d’Ivoire (Cốt Ði-voa) Luc Zaka (L.Da-ca), khi đơn vị chuyên trách chống lao động trẻ em của ông đã giải cứu thành công hơn 1.700 trẻ em khỏi công việc cực nhọc trên các đồn điền ca-cao và bắt giữ nhiều tội phạm buôn người. Tại Côte d’Ivoire, vẫn còn gần 1 triệu trẻ em làm việc ở các đồn điền ca-cao, chủ yếu là nạn nhân của mạng lưới buôn người từ các quốc gia láng giềng, Mali và Burkina Faso, những nơi xung đột khiến tác động của đại dịch Covid-19 thêm trầm trọng, đẩy nhiều em vào cảnh phải lao động kiếm sống.
Báo cáo về tình trạng lao động trẻ em toàn cầu được Tổ chức Lao động quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố năm 2021 ước tính, khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương 10% số trẻ em trên thế giới, đang bị cưỡng ép lao động, gồm khoảng 97 triệu trẻ em trai và 63 triệu trẻ em gái. Nông nghiệp là lĩnh vực phổ biến nhất, chiếm tới 70% (112 triệu) trong tổng số lao động trẻ em, trong khi 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và 10% trong các ngành công nghiệp.
Mỗi ngày, thế giới có hơn 5.700 trẻ em lần đầu tham gia lực lượng lao động. Ðáng lo ngại là số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi phải làm những công việc trong môi trường nguy hiểm, như khai thác mỏ hay làm việc với máy móc, công cụ nặng, có xu hướng tăng mạnh. Những công việc nặng nhọc, không phù hợp với lứa tuổi có tác động nghiêm trọng đến sự phát triển và sức khỏe của các em, có thể dẫn đến tổn hại về thể xác và tinh thần, thậm chí tử vong. Nhiều em phải làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần, đồng nghĩa với việc không thể có cơ hội tiếp cận giáo dục.
Ðại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới chao đảo hơn hai năm qua, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo khó và buộc phải đẩy những đứa trẻ đi làm, kiếm tiền phụ giúp cha, mẹ mưu sinh. Ngay cả trước đại dịch, tại nhiều khu vực, xung đột vũ trang, khủng hoảng xã hội kéo dài, dân số tăng nhanh, nghèo đói cùng cực và thiếu các chế độ an sinh-xã hội là những nguyên nhân chính khiến những nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em trên thế giới không đạt hiệu quả như mong đợi. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ước tính, nếu tỷ lệ nghèo đói do đại dịch Covid-19 gia tăng, thế giới sẽ có thêm 9 triệu lao động trẻ em vào cuối năm 2022. Thậm chí, theo mô hình dự báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, nếu phạm vi bảo trợ xã hội bị cắt giảm so mức hiện nay do ngân sách các quốc gia thu hẹp, đến cuối năm 2022, số trẻ em bị đẩy vào con đường mưu sinh có thể tăng thêm tới 46 triệu trẻ.
Liên hợp quốc đặt mục tiêu chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và đến năm 2030, chấm dứt tình trạng lao động cưỡng bức, nạn buôn bán người và nô lệ hiện đại. Các chuyên gia chỉ ra, các giải pháp cơ bản để giảm thiểu lao động trẻ em bao gồm phúc lợi phổ cập (trợ cấp hằng tháng) cho trẻ em, hỗ trợ trẻ trở lại trường học và thúc đẩy, tạo thêm việc làm ổn định cho nhóm người trưởng thành. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder (G.Rai-đơ), những thống kê mới là một lời cảnh tỉnh và thế giới còn cần thêm nhiều cam kết, động lực mới từ mọi nguồn lực để phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lao động trẻ em.
Theo nhandan.com.vn