Giới khoa học và các nhà chuyên môn tại Nga đưa ra nhận định về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19.
Phó Giáo sư Sergei Voznesensky, Khoa Truyền nhiễm tại Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) cho rằng tình hình COVID-19 ở Nga sẽ không kết thúc trong năm nay và chỉ có thể được cải thiện vào năm 2023. Theo ông, sự kết thúc của đại dịch không chỉ là sự cải thiện tình hình trong lĩnh vực y tế, mà còn là sự ổn định của các vấn đề tài chính, kinh tế và địa chính trị. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron hoàn toàn phù hợp với quá trình tiến hóa của virus. Ông dự đoán, vào tháng 1-2022, rất có thể tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 ở Nga gia tăng do sự lây lan của biến chủng Omicron. Kịch bản như vậy có thể xảy ra nếu Omicron phát triển ở Nga như đã bùng phát ở Nam Phi và Anh.
Liên hợp quốc nhấn mạnh tiến trình bầu cử ở Libya
Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams ngày 4-1 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tiến trình bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này nhằm hiện thực hóa ước vọng của 2,8 triệu cử tri Libya đã đăng ký đi bỏ phiếu.
Trước đó, Quốc hội Libya ngày 3-1 đã đình chỉ phiên thảo luận về sự sụp đổ của cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia Bắc Phi. Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cấp cao Libya (HNEC) trước đó đã công bố đề xuất lùi cuộc bầu cử tổng thống tới ngày 24-1-2022. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử khó có thể được tổ chức vào thời điểm đó do các phe phái chính trị tại Libya vẫn bất đồng sâu sắc về những vấn đề cốt lõi.
Hơn một nửa số người xin tị nạn ở Đức không có trong cơ sở dữ liệu của EU
Theo dữ liệu từ Văn phòng Liên bang về Người tị nạn và Di cư của Đức, hơn một nửa số người xin tị nạn ở nước này không có trong cơ sở dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm cả thông tin về quốc gia mà những người này đã nhập cảnh đầu tiên khi đến EU. Điều này khiến Đức không thể trục xuất hàng chục nghìn người di cư bất hợp pháp.
Dữ liệu cho thấy, trong năm 2021, thông tin của hơn 35 nghìn người xin tị nạn ở Đức đã không xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của Eurodac, một hệ thống xác định những người xin tị nạn của châu Âu. Nguyên nhân là do Đức không nhập thông tin người xin tị nạn theo quy định của EU. Theo quy định, tất cả các quốc gia EU bắt buộc phải nhập bất kỳ người xin tị nạn nào vào cơ sở dữ liệu Eurodac khi đến lãnh thổ của nước đó mà không cần thị thực. Cơ sở dữ liệu này được xây dựng để lưu trữ dấu vân tay của những người xin tị nạn, với mục đích ngăn chặn tình trạng một người nộp nhiều đơn xin tị nạn ở các quốc gia khác nhau./.
PV