Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới có đủ công cụ để chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19 trong năm 2022. Tháng 10 vừa qua, WHO công bố chiến lược nhằm đạt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu, với 70% dân số thế giới được tiêm đủ vắc-xin vào giữa năm sau.
WHO đặt mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm đủ vắc-xin vào giữa năm 2022. Ảnh REUTERS |
Tuy nhiên, WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể mới Omicron. WHO hối thúc các nước cần nhanh chóng hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.
Theo nghiên cứu mới nhất về biến thể Omicron của Ðại học Hong Kong (Trung Quốc), biến thể này lây truyền nhanh qua đường hô hấp theo cấp số nhân, nhưng lại chậm hơn trong môi trường phổi của con người. So với biến thể Delta, Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người.
Tuy nhiên, trong môi trường phổi người, Omicron nhân bản chậm hơn 10 lần so với vi-rút SARS-CoV-2 gốc, khiến người mắc biến thể này ít có nguy cơ chuyển nặng.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu Âu, đồng thời có thể là tác nhân chính gây ra các ca nhiễm mới tại châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022. ECDC cho rằng, ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nó sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nhân nhập viện và tử vong cao hơn. ECDC khuyến cáo tiêm chủng vẫn là chìa khóa để giảm tác động của biến thể Omicron và Delta.
Tại Canada, Bộ Y tế khuyến cáo những công dân nước này có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hủy chuyến đi của họ, trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới. Ngoài cảnh báo đi lại mới, Cơ quan Y tế công cộng Canada sẽ tăng cường chương trình xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh tại các sân bay của Canada.
Theo nhandan.com.vn