Nhật báo Les Echos số ra ngày 8-12 dẫn nhận định của giới khoa học cho biết vắc-xin hiện tại có thể giúp các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tránh được tình trạng bệnh nghiêm trọng.
Các dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy bản thân biến thể này cũng không gây ra nhiều trường hợp bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Các nghiên cứu về biến thể mới vẫn đang được triển khai, tập trung vào hiệu quả của mũi vắc-xin tăng cường.
Theo Les Echos, đây là một tin tốt giúp người dân có thể yên tâm hơn trước Omicron, biến thể mới xuất hiện khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải đề cao cảnh giác trong hai tuần qua. Tuy được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể Delta, nhưng Omicron sẽ không nguy hiểm hơn so với Delta và các vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả để phòng ngừa biến thể này. Một số nhà khoa học cấp cao của Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định điều này.
Ông Michael Ryan - giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-12 cho biết về mặt tiêm chủng, trước hết “không có lý do gì để nghi ngờ” việc các vắc-xin hiện tại đủ khả năng bảo vệ bệnh nhân nhiễm Omicron, giúp họ tránh tình trạng nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Ông giải thích: “Xét về mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng nhập viện, nhiều loại vắc-xin hiện đang được sử dụng đã chứng tỏ được hiệu quả cao trong việc phòng chống lại tất cả các biến thể”. Hơn nữa, theo những diễn biến mà giới chức WHO quan sát được cho đến nay, không có nhiều trường hợp nghiêm trọng. Trên thực tế, một số nơi ở miền Nam châu Phi chỉ ghi nhận bệnh nhân với các triệu chứng nhẹ.
Nhận định này cũng được chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci, chia sẻ. Ông nói “gần như chắc chắn” rằng biến thể Omicron không gây ra các trường hợp nghiêm trọng hơn, “thậm chí đôi lúc còn ít nghiêm trọng hơn” so với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Fauci cảnh báo rằng vẫn cần thận trọng vì các nghiên cứu về Omicron mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Theo ông, không nên chỉ dựa vào dữ liệu từ Nam Phi, bởi vì dân số nước này có đặc điểm là rất trẻ và ít có nguy cơ phải nhập viện, trong khi có thể phải mất vài tuần bệnh mới chuyển nặng. Theo ước tính của ông, sẽ cần phải đợi “ít nhất hai tuần” để biết liệu Omicron có trở nên ít nguy hiểm hơn hay không. Ông Fauci nhấn mạnh, Omicron “rõ ràng là rất dễ lây truyền”, và các loại vắc-xin cũng có thể kém hiệu quả hơn đối với Omicron vì loại biến thể này có số lượng rất cao các đột biến.
Theo một nghiên cứu mới đây do một phòng thí nghiệm thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe châu Phi thực hiện, vắc-xin do Pfizer phát triển chỉ hiệu quả một phần đối với biến thể này. Giáo sư Alex Sigal tại phòng thí nghiệm cho biết so với các biến thể trước đây, mức độ trung hòa của biến thể Omicron đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, cũng có những thông tin tích cực, đó là những người đã tiêm hai mũi vắc-xin của Pfizer hoặc những người đã mắc bệnh COVID-19 phần lớn có thể vô hiệu hóa biến thể mới này. Do đó, việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp chống lại nguy cơ nhiễm bệnh. Giáo sư Siga nhấn mạnh: “Đây là những kết quả tốt hơn mong đợi. Bạn càng có nhiều kháng thể, bạn càng được bảo vệ trước Omicron”./.
Theo baotintuc.vn