Nhật Bản đã chấp thuận yêu cầu của Washington trả thêm chi phí cho hoạt động đồn trú của các lực lượng quân sự Mỹ tại nước này, bắt đầu từ tài khóa 2022. Quyết định được đưa ra sau khi hai nước tiến hành đàm phán cấp chuyên viên tại Washington từ cuối tháng 11 đến đầu tháng này.
Hồi tháng 2 năm nay, Nhật Bản và Mỹ đã ký thỏa thuận tiếp tục chia sẻ chi phí nhằm duy trì hoạt động của các lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này trong tài khóa 2021. Theo thỏa thuận, Nhật Bản chi 201,7 tỷ yen (1,9 tỷ USD) trong tài khóa 2021 (bắt đầu từ tháng 4 vừa qua) với danh nghĩa nước chủ nhà nhằm hỗ trợ chi phí duy trì khoảng 55 nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú. Trước đó, trong suốt 4 năm dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, Nhật Bản và các quốc gia khác như Hàn Quốc đã phải đối mặt với sức ép dữ dội từ Washington để tăng đáng kể đóng góp tài chính do việc duy trì hoạt động của lực lượng Mỹ đồn trú.
Bồ Đào Nha giải tán Quốc hội
Ngày 5-12, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ra sắc lệnh giải tán Quốc hội, bước đi chính thức cuối cùng trước thềm cuộc tổng tuyển cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 30-1-2022.
Sắc lệnh được đưa ra vào ngày cuối cùng để có thể giải tán Quốc hội, theo quy định phải diễn ra ít nhất 55 ngày trước một cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử trước thời hạn được ấn định sau khi Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ dự luật ngân sách của chính phủ thiểu số do đảng Xã hội lãnh đạo hồi tháng 10, động thái được cho là đặt dấu chấm hết cho sự ổn định chính trị tương đối của nước này trong 6 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng thế bế tắc chính trị có khả năng sẽ vẫn tiếp diễn sau bầu cử, điều này có thể làm phức tạp thêm cho việc triển khai các dự án do các quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của Bồ Đào Nha.
67 thành viên WTO đạt thỏa thuận lịch sử
Một nhóm gồm 67 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó có Mỹ, Trung Quốc, các nước Liên minh châu Âu (EU),… vừa đạt một thỏa thuận quan trọng về tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ. Ca ngợi ý nghĩa lịch sử của thỏa thuận này, Tổng Giám đốc WTO Okonjo Iweala nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ giúp giảm chi phí liên quan thương mại dịch vụ tới 150 tỷ USD mỗi năm.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ đã vượt tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hóa. Trong bối cảnh WTO một thời gian dài không ký kết được các thỏa thuận thương mại đa phương giữa toàn bộ 164 thành viên, một số quốc gia vẫn tích cực tham gia các cuộc đàm phán quy mô nhỏ hơn, nhằm thảo luận cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại dịch vụ được khởi động từ năm 2017. Theo thỏa thuận vừa đạt được bởi 67 thành viên WTO, các bên cam kết đưa ra những quy định phù hợp để không cản trở các nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu sang các thị trường khác. Thỏa thuận bảo đảm rằng, các yêu cầu và thủ tục cấp phép, tiêu chuẩn kỹ thuật không tạo thành rào cản với thương mại dịch vụ./.
PV