Vòng đàm phán thứ bảy giữa các cường quốc và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran đã có bước khởi đầu tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề “gai góc” cần được tháo gỡ liên quan việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran cũng như việc quốc gia Hồi giáo tuân thủ đầy đủ cam kết trong thỏa thuận ký năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đại diện của Iran và các cường quốc trong JCPOA tại phiên họp diễn ra ở Vienna, Áo, ngày 29/11/2021. (Ảnh: Phái đoàn EU tại Vienna/Reuters) |
Sau 5 tháng các cuộc đối thoại bị gián đoạn, vòng đàm phán mới giữa Iran với các cường quốc còn lại trong JCPOA (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức) đã được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo).
Với sự tham dự gián tiếp của Mỹ, vòng đàm phán này nhằm tìm cách đưa Washington tham gia trở lại JCPOA và bảo đảm Iran thực thi đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận. Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna cho biết, những cuộc gặp đầu tiên đã kết thúc với bước khởi đầu “thành công mỹ mãn”.
Các bên đã nhất trí về những bước đi ngay lập tức tiếp theo. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran cũng bày tỏ lạc quan về những cuộc gặp đầu tiên với việc các bên nhất trí rằng, chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Một trong những vấn đề gai góc nhất mà các bên cần vượt qua là yêu cầu của Iran về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Tehran thực hiện đầy đủ các cam kết. Iran khẳng định các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ, các quyền và lợi ích của người dân Iran phải được bảo đảm trên bàn đàm phán. Trong khi đó, phía Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn hoài nghi về việc Iran tuân thủ các cam kết. Ngay trước thềm đàm phán, căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang liên quan các hoạt động làm giàu urani của Tehran, trong khi Washington tiếp tục giáng các “đòn” trừng phạt nhằm vào Iran.
Sự không nhượng bộ của Iran liên quan chương trình hạt nhân đã khiến chuyến thăm Tehran mới đây của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không đạt kết quả như mong đợi. IAEA đã không thể đạt thỏa thuận với Iran về các vấn đề quan trọng, trong đó có khôi phục quyền tiếp cận một cơ sở hạt nhân của nước này. Trước thái độ cứng rắn của Tehran, Đặc phái viên Mỹ về Iran nhấn mạnh, Washington và các đối tác sẽ gây áp lực với Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo sử dụng các cuộc đàm phán làm cái cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran cùng những bất đồng không thể hóa giải giữa hai bên khiến cuộc đàm phán về “hồ sơ hạt nhân” Iran khó đạt bước đột phá. Mặc dù vậy, vòng đàm phán thứ bảy được trông đợi sẽ đạt được các bước đi cần thiết, là sự khởi đầu suôn sẻ, tạo bầu không khí thuận lợi cho các bước tiếp theo nhằm “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran, một nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Theo nhandan.com.vn