Kinh tế Thái Lan dự báo sẽ khởi sắc trong năm 2022 sau khi mở cửa trở lại

06:11, 02/11/2021

Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) vừa mới hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm nay từ 1,3% đưa ra trước đây xuống mức trung bình 1%, chủ yếu là do sự bùng phát của làn sóng COVID-19 từ tháng Tư đã tác động nghiêm trọng đến đất nước trong quý III/2021.

Tổng giám đốc  FPO Pornchai Thiraveja cho biết nền kinh tế Thái Lan năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng trong khoảng 0,5-1,5%. Tình hình kinh tế dự kiến sẽ khởi sắc trong năm 2022 với mức tăng trưởng 4% do tình hình đại dịch sẽ được cải thiện và đất nước mở cửa trở lại vào ngày 1-11. FPO ước tính kinh tế Thái Lan suy giảm 3,5% trong quý III năm nay do sự bùng phát của dịch bệnh và dự kiến tăng trưởng kinh tế 3% trong quý IV năm nay sau khi đất nước mở cửa trở lại. Theo dự báo của FPO, khoảng 100 nghìn khách du lịch nước ngoài sẽ đến thăm Thái Lan sau ngày 1-11.

FDA chưa sẵn sàng cấp phép vắc-xin của Moderna tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa thông báo cần thêm thời gian để đánh giá vắc-xin COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna có được phép dùng cho thanh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi hay không. Theo đó, có thể phải đến tháng 1-2022, việc xem xét cấp phép sử dụng vắc-xin của hãng cho nhóm người từ 12 đến 17 tuổi mới hoàn thành. Sự chậm trễ này liên quan đến những báo cáo về trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng Moderna ở những nam giới trẻ tuổi. Cả Moderna và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang xem xét và đánh giá về những báo cáo này.

Tổng thống Biden nỗ lực để tháo gỡ nút thắt chuỗi cung ứng

Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), ngày 31-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì phiên thảo luận nhằm tìm biện pháp giải quyết các thách thức liên quan tới chuỗi cung ứng và những gián đoạn khác đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.

 Tổng thống Biden cho rằng, chuỗi cung ứng là điều mà hầu hết người dân không bao giờ nghĩ đi nghĩ lại cho đến khi có sự cố xảy ra. Trong đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến ​​sự chậm trễ và tồn đọng hàng hóa từ ô tô đến thiết bị điện tử, từ giày dép đến đồ nội thất. Theo thông báo của Nhà Trắng về phiên thảo luận này, Tổng thống Biden, cùng với các nhà lãnh đạo từ 14 nước khác và Liên minh châu Âu (EU), đã đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc tế nhiều hơn liên quan tới gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn sắp tới. Các nhà lãnh đạo G20 cũng có kế hoạch củng cố và đa dạng hóa toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com