Đến nay, số ca người thiệt mạng vì COVID-19 đã vượt 5 triệu ca, chỉ sau chưa đến hai năm đại dịch bùng phát và lan rộng ra toàn cầu.
Tiêm chủng vắc-xin vẫn là giải pháp cơ bản, hữu hiệu trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AFP |
Con số trên thực tế có thể còn lớn hơn vậy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng ước tính số tử vong do COVID-19 có thể thể lớn gấp 2-3 lần con số thông báo chính thức, bởi có nhiều trường hợp bỏ sót thống kê ca tử vong có liên quan đến COVID-19. Tạp chí the Economist cho rằng có 17 triệu người đã tử vong liên quan đến COVID-19. “Đây là con số mà tôi cảm thấy đúng hơn”, giáo sư dịch tễ Arnaud Fontanet đến từ Viện Pasteur (Pháp) nói.
Số ca tử vong do COVID-19 thấp hơn nhiều so với những trận đại dịch khác trong lịch sử. Như dịch cúm Tây Ban Nha đã làm 50-100 triệu người thiệt mạng chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1918-1919. Nhưng theo chuyên gia virus học Jean-Claude Manuguerra thuộc Viện Pháp (French institute), COVID-19 gây ra nhiều trường hợp tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Số người chết có thể đã lớn hơn nhiều nếu không có các biện pháp được triển khai đồng loạt, nổi bật là hạn chế di chuyển và tiêm chủng vắc-xin.
Sự xuất hiện của một chủng virus thường diễn tiến theo hai giai đoạn - Giáo sư Fontanet lý giải. Đầu tiên là “giai đoạn đại dịch bùng nổ”, gắn với việc virus lây lan nhanh trong bộ phận dân cư chưa từng bị lây nhiễm trước đó. Giai đoạn hai là thời kỳ virus chuyển sang bệnh đặc hữu, khi các cộng đồng đã tạo được lớp bảo vệ miễn dịch, buộc virus phải thu hẹp khả năng lây lan. Với COVID-19, “đây là lần đầu tiên trong lịch sự các trận đại dịch xuất hiện nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn”, ông Fontanet nói.
Cầu nối để thực hiện chính là tiêm phòng vắc-xin. Theo ông Fontanet, vắc-xin cho phép tạo ra miễn dịch nhân tạo ở người chống lại virus lần đầu tiên xuất hiện. Công đoạn nghiên cứu, phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 được hoàn tất chỉ sau 18 tháng, thay vì từ 3-5 năm như thông thường, đồng nghĩa với việc nhiều người đã được cứu sống.
Vì thế, giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh diễn biến ra sao sẽ phụ thuộc vào độ che phủ của vắc-xin ở từng quốc gia cũng như độ hữu hiệu của từng loại vắc-xin. Sau vài tháng nữa thế giới có thể đạt tới lưới an toàn trên phạm vi rộng khắp. Virus vẫn đang phát tán. Mục tiêu hiện tại không còn là diệt trừ virus nữa, mà là có được lớp bảo vệ tốt, chống được các ca bệnh nặng. “Ý tưởng bây giờ là không để COVID-19 đẩy người nhiễm phải nhập viện hoặc tử vong”, chuyên gia Manuguerra nói.
Dịch bệnh sẽ thay đổi theo từng làn sóng như những gì đã từng diễn ra: Lắng dịu tại các nước công nghiệp phát triển - nơi đa phần người dân đã được tiêm phòng vắc-xin, nhưng sẽ bùng phát ở những nước, cộng đồng chưa được tiêm chủng.
“Với các nước công nghiệp hóa, tôi tin rằng họ đang đi tới giai đoạn mà ở đó COVID-19 chuyển thành bệnh đặc hữu, có thể nặng hơn bệnh cúm mùa trong năm đầu tiên, nhưng sau đó mức độ nghiêm trọng sẽ giảm dần”, giáo sư Fontanet nhận định. Miễn dịch toàn cầu sẽ được thiết lập sau đó, với việc vắc-xin tạo ra miễn dịch bên cạnh miễn dịch tự nhiên từ những người đã nhiễm bệnh.
Kịch bản khó khăn hơn sẽ rơi vào các khu vực có năng lực tiêm phòng thấp, như châu Phi. Bùng phát lây nhiễm ở Đông Âu hiện nay khẳng định một thực tế: Thất bại trong chiến dịch tiêm chủng khiến cộng đồng dân cư đối diện với dịch bệnh trầm trọng, gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế, bệnh viện.
Lo ngại lớn nhất hiện nay là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vắc-xin. Biến thể Delta trội hơn các biến thể trước đó và chính nó cũng ngăn chặn đà lây lan của các biến thể khác như Mu hay Lambda. Nhưng thay vì lo ngại các biến thể hoàn toàn mới, giới chuyên gia hiện bận tâm nhiều hơn đến viễn cảnh Delta tự nó sẽ đột biến và chuyển thành biến thể kháng được vắc-xin.
“Delta là biến thể chính. Xét về mặt số liệu, chính Delta làm thế giới đối diện với nguy cơ đón nhận một biến thể của biến thể”, chuyên gia Manuguerra nhìn nhận. Giới chức Anh và một số nước đang theo dõi sát biến thể AY.4.2 - một biến thể phụ của Delta. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin suy giảm hiệu lực trước AY.4.2.
Theo ông Manuguerra, điều quan trọng hiện nay là phải giám sát giải trình tự gien để xác định các loại biến thể khác nhau. Triển khai thành công nhiệm vụ này giúp nhanh chóng nhận diện biến thể mới, đánh giá chính xác xem chúng có nguy hiểm hơn không, có mức lây nhiễm mạnh hơn không và quan trọng hơn là liệu có thể đạt miễn dịch hay không./.
Hoài Thanh