Cuộc chạy đua khai thác Heli-3 trên Mặt trăng

08:11, 12/11/2021

Hai chuyến tàu con thoi chở đầy Heli-3 là đủ để sản xuất năng lượng cho nước Mỹ dùng cả năm. Nhưng Washington đang đối mặt với đối thủ Trung Quốc và Nga trong cuộc chạy đua mới này. 

Tất cả chúng ta đều đã nghe nói về những cuộc chạy đua vũ trang, chạy đua vào vũ trụ, thậm chí chạy đua hòa bình. Nhưng có một cuộc chạy đua hoàn toàn nằm ngoài tầm quan sát của công chúng. Đó là cuộc đua xác định ai sẽ là người đầu tiên khai thác được Heli-3 trong vũ trụ với số lượng đáng kể để phát triển các lò phản ứng tổng hợp hạt nhân không tạo ra chất thải hạt nhân nguy hại và các chất ô nhiễm khác. “Không gian bên ngoài chứa nguồn năng lượng và nguyên liệu thô gần như vô hạn, từ nhiên liệu Heli-3 trên Mặt trăng cho các lò phản ứng nhiệt hạch sạch, đến kim loại nặng và khí dễ bay hơi từ các tiểu hành tinh, có thể thu gom để sử dụng trên Trái đất và trong không gian”, cựu chuyên gia phân tích không gian của CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) Tim Chrisman cho biết.

Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến bí mật đang diễn ra nhằm thiết lập cơ sở khai thác năng lượng trong không gian, có khả năng chứng kiến Trung Quốc và Nga hợp lực để ngăn chặn Mỹ.  Ảnh: Internet

Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến bí mật đang diễn ra nhằm thiết lập cơ sở khai thác năng lượng trong không gian, có khả năng chứng kiến Trung Quốc và Nga hợp lực để ngăn chặn Mỹ.

Ảnh: Internet

Các nhà khoa học cho biết hai tàu con thoi chở đầy Heli-3 trong khoang hàng - tức khoảng 40 tấn khí - có thể cung cấp năng lượng cho nước Mỹ trong một năm với tốc độ tiêu thụ hiện tại. Giáo sư Ouyang Ziyuan, nhà khoa học chính của Chương trình Khám phá Mặt trăng Trung Quốc, gần đây cho biết, Mặt trăng rất giàu Heli-3 và nguồn cung này có thể “giải quyết nhu cầu năng lượng của nhân loại trong ít nhất khoảng 10 nghìn năm”. Một số tổ chức lớn ở Trung Quốc hiện đang nghiên cứu các loại đá được thu thập từ Mặt trăng bởi sứ mệnh Thường Nga 5 để nghiên cứu, bao gồm đánh giá vật liệu này như một nguồn năng lượng nhiệt hạch tiềm năng. Tàu Thường Nga 5, được phóng vào tháng 11-2020, đã mang 1,73kg vật chất từ Mặt trăng về Trái đất vào tháng 12 năm ngoái. Một lô đầu tiên gồm 31 mẫu, tổng trọng lượng gần 17,5 gam, bao gồm các loại hạt mịn, các mảnh đá bazan và thủy tinh, đã được chuyển đến 13 cơ sở Trung Quốc vào tháng 7 năm nay. “Mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định hàm lượng Heli-3 trong đất Mặt trăng, các thông số khai thác của Heli-3, cho thấy chúng ta có thể chiết xuất heli ở nhiệt độ nào và Heli-3 đã gắn vào đất trên Mặt trăng như thế nào”, Huang Zhixin, một nhà nghiên cứu thuộc Phòng Khoa học và Công nghệ của Viện Nghiên cứu Địa chất Urani ở Bắc Kinh, phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc vào cuối tháng 8. Trong khi đó, bên phía Mỹ, công ty Solar System Resources đã ký hợp đồng cung cấp 500kg Heli-3 được khai thác từ Mặt Trăng cho Tập đoàn Hạt nhân Mỹ trong thời gian từ 2028-2032.

Không giống như Trái đất, được bảo vệ bởi từ trường, Mặt trăng bị bắn phá bởi một lượng lớn Heli-3 từ gió Mặt trời. Lượng Heli-3 lắng đọng trên Mặt trăng vì thế nhiều hơn trên Trái đất rất nhiều. Ước tính trữ lượng dự trữ Heli-3 trên Trái đất chỉ khoảng 500 kg, khó có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Trong khi đó, đất trên bề mặt Mặt Trăng chứa ít nhất 1 triệu tấn Heli-3. Các chuyên gia đã tính toán rằng 100 tấn Heli-3 có thể đáp ứng nhu cầu điện năng của thế giới trong một năm, và 1 triệu tấn là đủ cho 10 nghìn năm!

Bản thân công nghệ lò phản ứng nhiệt hạch đã bị mắc kẹt với nhiều trở ngại khác nhau trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nguồn cung cấp đáng kể Heli-3 có thể là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” cần thiết. Ông Chrisman cho biết, Trung Quốc đang trên đường khởi động một trạm năng lượng Mặt trời trên vũ trụ quy mô megawatt vào khoảng năm 2030, với các cuộc thử nghiệm quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2022. Về phần Mỹ, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tích cực quan tâm đến không gian, thông báo rằng Mỹ sẽ đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và thành lập Lực lượng Vũ trụ như một nhánh mới nhất của quân đội Mỹ. Mỹ cũng đề xuất khung pháp lý toàn cầu cho việc khai thác trên Mặt trăng, được gọi là Hiệp định Artemis, khuyến khích khai thác vệ tinh tự nhiên của Trái đất và các thiên thể khác với mục đích thương mại. Hiệp định Artemis đã được ký kết bởi Australia, Canada, Anh, Nhật Bản, Luxembourg, Italy và UAE. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã có kế hoạch xây dựng một căn cứ cố định trên quỹ đạo Mặt trăng được gọi là Gateway, tương tự như ISS. Từ đó, cơ quan này hy vọng sẽ xây dựng một căn cứ trên bề mặt Mặt Trăng, nơi họ có thể khai thác các nguồn tài nguyên cần thiết để đưa các phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa. Năm 2019, Trung Quốc đã đi vào lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò ở vùng tối của Mặt trăng. Nước này đã chọn một cách tiếp cận khác trong cuộc đua năng lượng vũ trụ. Kể từ khi Hiệp định Artemis lần đầu tiên được công bố, Bắc Kinh đã tiếp cận Nga để hợp tác xây dựng cơ sở nghiên cứu về Mặt trăng./.

Thu Hằng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com