Phát biểu trên truyền hình ngày 16-11, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia ông Grigoryan cho biết chính quyền Armenia đề nghị Nga giúp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước khả năng bị lực lượng vũ trang của Azerbaijan tấn công.
Thư ký Hội đồng An ninh Armenia cũng hy vọng Nga sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự đầy đủ cho Armenia trong trường hợp đàm phán xử lý tranh chấp biên giới với Azerbaijan không mang lại kết quả. Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương hỗ giữa Nga và Armenia được ký kết vào ngày 29-8-1997, giữa hai Tổng thống lúc đó là Boris Yeltsin và Levon Ter-Petrosian. Hiệp ước có thời hạn hiệu lực ban đầu là 25 năm và sẽ được tự động kéo dài 10 năm một lần nếu như không bên nào bày tỏ ý định hủy thỏa thuận.
IS thừa nhận thực hiện loạt vụ đánh bom tại Uganda
Ngày 16-11, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra các vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kampala của Uganda, khiến 3 người thiệt mạng và 33 người bị thương. Tuyên bố trên mạng xã hội Telegram, IS cho biết 3 phần tử đánh bom liều chết đã thực hiện vụ tấn công nhằm vào đồn cảnh sát trung tâm và tòa nhà Quốc hội Uganda. Trước đó, cảnh sát nước này đã quy trách nhiệm cho một “nhóm khủng bố trong nước” có liên hệ với Lực lượng Dân chủ đồng minh (ADF). ADF là lực lượng vũ trang đang hoạt động ở Uganda và có liên hệ với IS. Liên minh châu Phi (AU) đã lên án những kẻ chủ mưu các vụ đánh bom trên và thể hiện sự đoàn kết với người dân Uganda trong thời điểm khó khăn này.
Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới có xu hướng giảm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025, so với mức hơn 30% ghi nhận vào năm 2000.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định xu hướng giảm này là rất “đáng khích lệ”. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát thuốc lá. Thực tế, mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động./.
PV