Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa cho biết, Indonesia sẽ khởi công xây dựng công viên công nghiệp xanh vào tháng 11 tới. Đây là mô hình khu công nghiệp năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới.
Công viên có diện tích khoảng 20 nghìn ha được đặt tại Bắc Kalimantan - một khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo. Với sự hỗ trợ năng lượng sạch từ các nhà máy thủy điện, công viên công nghiệp xanh sẽ là nơi thí điểm tập trung sản xuất ra năng lượng xanh và các sản phẩm xanh của Indonesia. Tổng thống Indonesia cho rằng, trong vòng 10 năm tới, các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không còn muốn mua các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, Indonesia cần chuẩn bị để phát triển một nền công nghiệp dựa vào công nghệ mới, thân thiện với môi trường hơn. Việc phát triển công viên công nghiệp xanh cũng phù hợp với tầm nhìn của Indonesia về cắt giảm khí thải carbon. Chính phủ Indonesia đang dần đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than, chuyển sang tập trung phát triển năng lượng mới và tái tạo.
Triển vọng thành lập chính phủ tại Đức trước Giáng sinh
Ngày 13-10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz, người đồng thời cũng là ứng cử viên thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đã bày tỏ lạc quan về khả năng thành lập một chính phủ mới ở Đức trước dịp Giáng sinh tới.
Phát biểu với báo giới, ông Scholz cho biết bầu không khí các cuộc đàm phán thăm dò giữa 3 đảng gồm SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) về việc thành lập một chính phủ ở Đức đang diễn ra hết sức xây dựng. Ông tin tưởng mô hình chính phủ “đèn giao thông” Đỏ - Vàng - Xanh này có thể thành công và nước Đức “sẽ có một chính phủ mới trước Giáng sinh”. Phát biểu trên của Bộ trưởng Scholz được đưa ra khi các đảng trên đang tiến hành đàm phán thăm dò nhằm tìm kiếm khả năng thành lập liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua ở Đức. Tuy nhiên, do ông Scholz phải tới Washington (Mỹ) họp Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G20) nên các cuộc đàm phán phải tạm hoãn.
Nga không sử dụng năng lượng làm vũ khí
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Tuần lễ Năng lượng Nga, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh về hàng loạt nguyên nhân gây ra giá khí đốt tăng cao trên thị trường vừa qua, như sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau khủng hoảng đã gia tăng nhu cầu năng lượng; mùa đông lạnh giá ở nhiều nước châu Âu khiến trữ lượng khí đốt tự nhiên trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng chưa được lấp đầy; châu Âu cắt giảm hợp đồng mua khí đốt dài hạn, chuyển sang giao dịch theo thị trường giao ngay. Nhiều quốc gia trong khu vực đã từ bỏ các nhà máy điện than và điện hạt nhân để chuyển sang sử dụng năng lượng gió phụ thuộc vào thời tiết…
Trước luồng dư luận đổ lỗi cho Nga về giá khí đốt tăng, cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí, Tổng thống Putin gọi đó là “lời nói nhảm có động cơ chính trị”. Nga hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào. Còn về kinh tế thì điều này hoàn toàn bị loại trừ. Thậm chí trong những giai đoạn phức tạp của chiến tranh lạnh, Nga thường xuyên, trên cơ sở lâu dài, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng, cung cấp khí đốt cho châu Âu./.
PV