Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass khuyến nghị thực hiện một kế hoạch toàn diện xóa nợ cho các nước nghèo, trong bối cảnh nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tính đến giữa năm 2021, hơn 50% quốc gia nghèo nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nước ngoài.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Báo cáo của WB cho thấy các chỉ số nợ xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới và tất cả các nước có thu nhập thấp và trung bình. WB đánh giá nhiều nước đang phát triển ở trong tình trạng dễ bị tổn thương khi nợ công vốn đã ở mức cao, cộng với việc các chính phủ phải chi ngân sách cao kỷ lục để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo WB, trong năm 2020, dòng vốn ròng mà các tổ chức đa phương dành cho những nước có thu nhập thấp và trung bình vay đã tăng lên 117 tỷ USD, mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Chủ tịch WB cảnh báo, sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, nhiều nước có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và phải mất nhiều năm mới có thể xử lý được.
Năm 2019, nợ của 73 nước kém phát triển nhất thế giới tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD. Chủ nợ của nhóm nước này đa phần là các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chiếm tới 178 tỷ USD. Vấn đề nợ công ở các nước thu nhập thấp trở nên cấp bách kể từ đầu năm 2020 khi G20 công bố Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI). Sáng kiến này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cảnh báo nếu tình trạng “nợ nần chồng chất” ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới không được kiểm soát, đó sẽ là “nhát dao chí mạng” hủy hoại nỗ lực phục hồi toàn cầu sau các tác động của đại dịch. Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi G20 gia hạn DSSI tới năm 2022 và áp dụng sáng kiến này đối với tất cả các quốc gia thật sự cần hỗ trợ, trong đó có cả các nước thu nhập trung bình, nhằm hướng tới một chiến lược toàn diện trong việc cải tổ cấu trúc nợ quốc tế.
Theo Chủ tịch WB, nợ công được duy trì ở mức bền vững là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế và giảm nghèo ở những quốc gia có thu nhập thấp. Ông nhấn mạnh các biện pháp chống dịch đã khiến nợ công nhiều nước gia tăng và giải pháp cho vấn đề này sẽ cần đến sự cứu trợ của các chủ nợ. Chủ tịch WB khuyến nghị đưa ra một cách tiếp cận toàn diện, trong đó có thể có cả phương án xóa nợ.
Gần đây, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thúc đẩy ý tưởng “hoán đổi nợ” lấy các dự án xanh. Bằng cách nới lỏng gánh nặng nợ của các chính phủ - vốn ở mức kỷ lục vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh, các nước nghèo có ít nguồn tài nguyên sẽ đầu tư để phục hồi và đây là yếu tố đưa thế giới vào giai đoạn phát triển bền vững hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu giải pháp “hoán đổi nợ xanh” được theo đuổi, sự lựa chọn này sẽ được gắn với các điều kiện rõ ràng để bảo đảm rằng việc xóa nợ trên thực tế dẫn đến việc triển khai các dự án xanh.
Theo nhandan.com.vn