Bảo vệ nhà báo - vấn đề cấp bách của EU

08:10, 01/10/2021

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng các cuộc tấn công trực tiếp cũng như mối đe dọa trên mạng internet nhằm vào các nhà báo, Ủy ban châu Âu (EC) đang kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường bảo vệ những người cầm bút.

Theo AP, EC mới đây đã đưa ra một loạt khuyến nghị để giúp các nước thành viên EU bảo đảm an toàn cho các nhà báo. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng ta phải bảo vệ những người tạo ra sự minh bạch - các nhà báo. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra những khuyến nghị để các nhà báo được bảo vệ tốt hơn”. Cụ thể, EC khuyến nghị các nước về việc cung cấp dịch vụ bảo vệ cũng như thiết lập đường dây nóng trợ giúp và hỗ trợ tâm lý cho những nhà báo bị đe dọa. Đề cập đến sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cho các nhà báo khi tác nghiệp tại các cuộc biểu tình, nơi xảy ra nhiều vụ tấn công, EC cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật cần hỗ trợ, bảo đảm cho nhà báo cũng như các chuyên gia truyền thông khác có thể làm việc một cách an toàn, không bị ảnh hưởng trong các tình huống như vậy. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, EC cho rằng các nước thành viên EU nên chú trọng tới việc giữ an toàn cho nhà báo trên môi trường mạng. Thông báo của EC nêu rõ: “Các cơ quan an ninh mạng quốc gia cần hỗ trợ các nhà báo xác định xem thiết bị hoặc tài khoản trực tuyến của họ có bị xâm phạm hay không”. EC cũng đề nghị các quốc gia EU nỗ lực hơn nữa để bảo đảm các cuộc điều tra và việc truy tố những đối tượng tấn công, hành hung và đe dọa các nhà báo diễn ra một cách công bằng, hiệu quả.

Lời kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà báo được EC đưa ra trong bối cảnh cơ quan này đang chuẩn bị dự luật Tự do truyền thông. Đây là một gói các biện pháp ràng buộc và không ràng buộc đối với các quốc gia thành viên EU để bảo đảm an toàn cho các nhà báo. Dự kiến trong năm 2022, dự luật này sẽ được đưa ra để các nước thành viên EU xem xét thông qua.

Các nhà phân tích nhận định, những khuyến nghị của EC góp phần đáng kể giúp EU xây dựng “lá chắn” bảo vệ các nhà báo - những người luôn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trên mặt trận thông tin. Theo số liệu của EC, trong năm 2020, tổng cộng 908 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị tấn công ở 27 quốc gia EU. Ngoài ra, có nhiều nhà báo, đặc biệt là nhà báo nữ đã phải đối mặt với hành vi đe dọa trên mạng. Kể từ năm 1992 tới nay, có 23 nhà báo bị giết hại ở các nước EU. Phần lớn các vụ sát hại xảy ra trong 6 năm qua. Tháng 7 vừa qua, phóng viên điều tra hàng đầu Hà Lan Peter Rudolf de Vries bất ngờ bị bắn 5 phát đạn sau khi rời trường quay ngay trên một con phố ở trung tâm thủ đô Amsterdam. Và chỉ sau hơn một tuần nhập viện điều trị, Vries - người không sợ hãi khi viết về thế giới ngầm bạo lực ở Hà Lan - đã qua đời vì vết thương quá nặng. Sự việc khiến dư luận Hà Lan hết sức phẫn nộ vì đây không chỉ đơn giản là vụ tấn công nhằm vào một nhà báo can đảm mà chính là sự tấn công vào quyền tự do báo chí.

Nghề báo được đánh giá là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Đằng sau các bức ảnh, dòng tin hay những bài báo là biết bao sức lực, đôi khi có cả máu và nước mắt của những người cầm bút. Các vụ tấn công, đe dọa, dằn mặt nhà báo liên tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp hiểm nguy chực chờ, các nhà báo vẫn can đảm xông pha để lấy thông tin, đưa sự thật ra trước ánh sáng công luận. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các nhà báo sẵn sàng dấn thân vào tâm dịch để mang tới cho công chúng các tin tức chính xác và kịp thời về tình hình dịch bệnh. Không quản ngại gian khó, những người làm báo đã nỗ lực hết mình trong việc phản ánh nỗ lực chống dịch của chính phủ một cách chân thực và tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân. Phó chủ tịch EC về giá trị và tính minh bạch Vera Jourova nhấn mạnh: “Không thể để các nhà báo bị giết hại và bị đe dọa vì công việc của họ. Chúng ta cần hỗ trợ và bảo vệ các nhà báo. Họ đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Các cơ quan công quyền cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ họ”. Bà Jourova lưu ý, đại dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò quan trọng hơn bao giờ hết của các nhà báo trong việc cung cấp thông tin cho thế giới. Theo bà Jourova, các nước thành viên cần phải có hành động quyết đoán để biến EU trở thành một nơi an toàn hơn cho các nhà báo./.

Theo Báo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com