Ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc hội đàm trực tuyến nhằm thảo luận lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực khôi phục niềm tin và Đại sứ Pháp sẽ trở lại Mỹ vào tuần tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/9. (Ảnh: Reuters) |
Pháp đã có một loạt phản ứng mạnh và cứng rắn đối với các đồng minh truyền thống gồm Mỹ, Anh và Australia sau khi Australia quyết định hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp vào ngày 15/9. Chỉ 2 ngày sau đó, Pháp đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia về nước tham khảo ý kiến, một quyết định ngoại giao chưa từng có với 2 đồng minh truyền thống. Tổng thống Pháp không đến dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại Mỹ, mà chỉ cử Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện cho Pháp.
Đây là vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Pháp và Mỹ kể từ năm 2003, khi Pháp nói "không" với cuộc chiến ở Iraq.
Phủ Tổng thống Pháp đăng thông cáo chung cho biết, hai tổng thống đã thảo luận về tác động từ tuyên bố ngày 15/9 của Australia, nhất trí rằng các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu có thể làm giảm bớt căng thẳng. Lãnh đạo hai nước quyết định khởi động tiến trình tham vấn sâu, tạo điều kiện cho việc bảo đảm niềm tin và đề xuất các giải pháp cụ thể hướng tới mục tiêu chung.
Vào cuối tháng 10, hai tổng thống sẽ gặp nhau tại châu Âu để đi tới thỏa thuận chung và duy trì tiến trình tham vấn này. Tổng thống Emmanuel Macron quyết định rằng, Đại sứ Pháp sẽ trở lại Mỹ và làm việc với các quan chức cao cấp của Mỹ.
Tổng thống Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của sự tham gia của Pháp và các đối tác châu Âu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ xác nhận tầm quan trọng của nền quốc phòng châu Âu mạnh và có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu. Trong khuôn khổ cuộc chiến chung chống khủng bố, Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ hoạt động của các nước châu Âu chống khủng bố ở khu vực Sahel (châu Phi).
Trong mấy năm qua, quan hệ hợp tác giữa 2 bờ Đại Tây Dương có nhiều lúc rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tổng thống Pháp là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng "tự chủ và tự trị chiến lược" và điều đó cũng đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại châu Âu sụt giảm.
Báo chí Pháp nhận định, kết quả hội đàm trực tuyến giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ là dấu hiệu tích cực nhằm tránh nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu sắc và kéo dài, đồng thời trở thành vấn đề của châu Âu.
Theo nhandan.com.vn