Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ tới thăm Seoul từ ngày 14 đến 15-9. Nhân dịp này, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn - Trung.
Chuyến thăm lần này của ông Vương Nghị diễn ra vào thời điểm trước thềm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn - Trung. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chuyến thăm là một cơ hội quan trọng để hai nước đẩy mạnh trao đổi cấp cao, tìm kiếm phương án tăng cường hợp tác thực chất và tình hữu nghị song phương. Trong thời gian ông Vương Nghị thăm Seoul, hai bên sẽ tổ chức cuộc họp của Ủy ban xúc tiến “Năm văn hóa Hàn - Trung 2021-2022” và xúc tiến giao lưu nhân lực giữa hai nước. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong cuộc gặp sắp tới, quan chức hai nước dự kiến cũng sẽ trao đổi về lộ trình hòa bình Bán đảo Triều Tiên, tình hình khu vực và quốc tế; cũng như thảo luận liên quan đến Thế vận hội mùa đông do Bắc Kinh đăng cai vào tháng 2 năm sau.
Nỗ lực ổn định tình hình tại Afghanistan
Hoàng cung Qatar thông báo, Quốc vương Qatar đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang thăm Doha về các diễn biến tại Afghanistan, cũng như những nỗ lực nhằm tăng cường an ninh ở quốc gia Nam Á.
Chuyến thăm Qatar của hai quan chức cấp cao Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm kiếm sự trợ giúp cho hoạt động sơ tán công dân Mỹ và những người Afghanistan có nguy cơ gặp rủi ro cao bị mắc kẹt trong nước, cũng như tạo sự đồng thuận giữa các đồng minh về cách thức đáp lại nhà cầm quyền Hồi giáo mới tại Afghanistan. Nga đã nêu điều kiện tham dự lễ nhậm chức chính phủ mới của Afghanistan. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga có thể tham dự sự kiện này nếu đó là một chính phủ toàn diện. Trước đó, Taliban xác nhận đã gửi lời mời tham dự lễ công bố thành phần chính phủ mới tới Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan và Qatar.
Nga phát triển vùng Viễn Đông qua Chiến lược hướng Đông
Với đất đai rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản trù phú, đồng thời nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều quốc gia phát triển, vùng Viễn Đông hiện được coi là “địa chỉ đỏ”, đóng vai trò đòn bẩy để Nga tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của chính khu vực này, đồng thời tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển vùng Viễn Đông và lâu dài là toàn bộ Siberia, trở thành một trục quan trọng của nước Nga về hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) 2021 vừa khép lại sau ba ngày diễn ra sôi nổi, với sự tham dự của các đại diện đến từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chương trình nghị sự dày đặc của hơn 70 sự kiện, hội nghị bàn tròn và đối thoại kinh doanh. Tại EEF 2021, Nga đã nêu kế hoạch xây dựng Hành lang hậu cần không người lái kết nối châu Á và châu Âu, nhằm mục tiêu nâng lưu lượng vận tải hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030 lên gấp 10 lần. Dự án này, khi đưa vào vận hành, sẽ rút ngắn 25% thời gian giao hàng, giảm 15% giá cước vận tải, giúp Nga mỗi năm tiết kiệm tới 300 tỷ ruble (khoảng 4,1 tỷ USD)./.
PV